Du lịch nội đã mở hàng cho năm 2022 với rất nhiều hứng khởi. Số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, chỉ riêng 9 ngày nghỉ Tết có hơn 6 triệu lượt khách nội địa, trong khi cả tháng 12/2021, chỉ có hơn 5 triệu lượt. Kết quả từ chương trình thí điểm đón khách quốc tế cũng rất khả quan với 8.500 khách quốc tế đã đến Việt Nam trong giai đoạn 1 (tính tới 23/1). Đây có thể coi là một bước nhảy vọt ngoạn mục, mở ra nhiều kỳ vọng hồi phục cho ngành công nghiệp không khói sau 2 năm thăng trầm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Không quá khi nói ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Làn sóng dịch thứ 3 và thứ 4 như những cú “knock out” khiến cả ngành đổ gục. Khách quốc tế không tới, khách nội địa ồ ạt hủy, hoãn tour. Các địa phương vốn là điểm nóng du lịch bỗng chốc sụt giảm lượng khách mạnh chưa từng có. Mùa Hè năm 2021 thực sự bị đóng băng. Nhiều doanh nghiệp phá sản, một số hoạt động cầm chừng, nhiều người làm việc trong lĩnh vực này đã lâm vào cảnh thất nghiệp hoặc chuyển sang công việc khác…
Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng 4 năm liên tục ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP nay suy thoái nghiêm trọng. Cổ phiếu của ngành du lịch nằm sát mức đáy, liên tục trong diện bị cảnh báo, thậm chí có nguy cơ bị hủy niêm yết.
Thế nhưng, khó khăn không cản trở được du lịch Việt Nam nỗ lực chủ động thích ứng và khôi phục hoạt động ngay trong tình hình mới. Từ Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ cùng với việc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine, các doanh nghiệp du lịch đã quyết tâm hành động và thích ứng linh hoạt. Bức tranh của ngành du lịch đã lộ ra những điểm sáng rực rỡ ngay từ đầu năm Nhâm Dần khi khách nội địa và quốc tế đang dần trở lại, thích ứng với bình thường mới. Thay vì đón Tết ở nhà, nhiều người xách vali cùng cả gia đình vui Xuân tại các điểm du lịch. Xu hướng khám phá thiên nhiên, trải nghiệm du lịch cộng đồng đang là trào lưu được thịnh hành trong không chỉ giới trẻ.
Từ Phú Quốc, Đà Lạt, Vũng Tàu…cho đến Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa (Lào Cai) và Hà Giang rất nhiều cơ sở lưu trú liên tục kín phòng. Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) có thể coi là điểm đến hot nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, đảo ngọc đã đón 368 chuyến bay. Riêng ngày mùng 2 và mùng 3 đón khoảng 60 chuyến bay mỗi ngày…
Và mặc tiết trời mưa rét tại các tỉnh miền núi phía Bắc, hàng trăm nghìn lượt khách vẫn tìm đến Mộc Châu, Sa Pa và Hà Giang tham quan, trải nghiệm và đón Xuân trong rực rỡ sắc đào mai, trong niềm hứng khởi của ngành Du lịch địa phương và người dân. Những tín hiệu vui ngày đầu năm thực sự xua tan cái giá rét đến âm độ nơi vùng cao này.
Theo Tổng cục Du lịch, thời tiết thuận lợi trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022 cùng với đợt nghỉ Tết âm lịch kéo dài và tâm lý an tâm của người dân khi dịch bệnh dần được kiểm soát đã tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch khởi sắc khắp ba miền. Đặc biệt, năm nay nhiều gia đình đã tự tổ chức các tour du lịch riêng để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19. Các tỉnh cũng đề ra rất nhiều giải pháp để vừa tiếp tục mở cửa đón khách vừa đảm bảo an toàn, thậm chí có địa phương cam kết lo chu đáo cho các F0, tổ chức xe đưa về tận địa phương…đã phần nào giảm các lo ngại bùng phát dịch sau kỳ du lịch Tết.
Cùng với sự bùng nổ của du lịch nội ngay trong những ngày đầu năm, ngành Du lịch đang kỳ vọng năm 2022 sẽ đón 5 triệu khách quốc tế từ “hộ chiếu vaccine”. Kỳ vọng đó hoàn toàn có cơ sở bởi thuận lợi từ chiến dịch tiêm chủng (Việt Nam hiện nằm trong top 6 thế giới); kết quả khả quan từ chương trình thí điểm đón khách quốc tế; cùng với việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa đề xuất Chính phủ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế từ 31/3 và đặc biệt là nỗ lực vượt khó của ngành này đang hứa hẹn sẽ mở ra cánh cửa để du lịch sớm cất cánh trở lại.