Gần 2 năm qua, du lịch Việt Nam đã gian nan để tồn tại và luôn sẵn sàng mở cửa trở lại sau khi Covid-19 được kiểm soát. Thời điểm này, nhiều địa phương đã có kế hoạch đón khách nội địa với kỳ vọng nguồn khách nội địa sẽ là liều thuốc tốt giúp ngành du lịch trong nước hồi phục.
Du lịch an toàn
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9: Khách quốc tế đến nước ta trong quý III năm 2021 đạt 26,3 nghìn lượt người, giảm 40,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Tính chung 9 tháng của năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 114,5 nghìn lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không giảm 97,5%; bằng đường bộ giảm 93,4%; bằng đường biển giảm 99,7%...
Nhìn lại bức tranh ngành du lịch từ khi dịch Covid-19 xuất hiện đến nay, có thể thấy một gam màu tối. Tại Việt Nam, doanh thu du lịch lữ hành năm 2020 giảm gần 60% so với năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù có những lúc du lịch nội địa khởi sắc trở lại nhưng về tổng thể, du lịch vẫn trên đà tuột dốc và chạm đáy khi tiếp tục giảm gần 52% doanh thu so với cùng kỳ năm 2020. Có thời điểm, gần như toàn bộ ngành du lịch ngừng hoạt động, hơn 2 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp phải nghỉ việc…
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình mới đây đã nhấn mạnh tại Chương trình Khôi phục du lịch nội địa nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục du lịch Việt Nam, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm “du lịch an toàn”: Đại dịch Covid-19 đã làm cho cả thế giới khủng hoảng và đòi hỏi cả thế giới phải thay đổi, ngành du lịch cũng không ngoại lệ.
Khái niệm “du lịch an toàn” đã xuất hiện, tuy không phải khái niệm mới, nhưng nội dung của nó lại hoàn toàn mới. Yếu tố an toàn đã trở thành một yêu cầu, một nội dung bắt buộc trong mọi hoạt động du lịch.
Kỳ vọng khách nội địa sẽ là chủ yếu cho ngành du lịch, theo ông Bình, Chương trình này nhằm đáp ứng nhu cầu khôi phục lại du lịch Việt Nam, trước tiên là khôi phục du lịch nội địa, trên cơ sở phù hợp một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến thực tế của dịch bệnh, từng bước chuyển du lịch theo khái niệm mới “du lịch an toàn”, tiến tới khôi phục du lịch trong bối cảnh sống chung với Covid-19.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhìn nhận: Sau một thời gian dài bị đình trệ, việc khởi động lại các hoạt động du lịch có ý nghĩa quan trọng, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp nhằm từng bước vượt qua khó khăn, bắt nhịp lại trong điều kiện bình thường mới.
Ông Thủy lưu ý: Trong điều kiện bình thường mới, yếu tố an toàn trong du lịch luôn là mục tiêu hàng đầu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt ra nhiệm vụ tiên quyết là đảm bảo an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch.
Trong đó, 3 yếu tố quan trọng là tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho người dân và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Bảo đảm an toàn cho các điểm đến, cơ sở du lịch và tạo điều kiện thuận lợi đi du lịch đối với du khách nội địa và quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vaccine.
Sẵn sàng mở cửa
Hiện rất nhiều địa phương đã lên kịch bản, chuẩn bị sẵn sàng các phương án mở cửa đón khách đảm bảm tiêu chí an toàn đến với vùng xanh, như Quảng Ninh, Hà Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Định, Bình Thuận…
Đáng chú ý, một số tỉnh, thành có tình hình dịch bệnh phức tạp đã bắt đầu đưa ra kế hoạch thí điểm, hé mở hướng khôi phục cho ngành du lịch theo phạm vi và quy mô nội địa. Ví dụ, TP HCM đã thí điểm mở tour du lịch khép kín tại huyện Cần Giờ từ ngày 19 đến 30/9 tại một số điểm đến.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho hay, sau khi tổ chức thí điểm thành công tour Cần Giờ, Củ Chi, tới đây TP sẽ mở rộng ra các vùng an toàn khác như Củ Chi - Tây Ninh, TP HCM - Bà Rịa Vũng Tàu và tiến tới các địa phương ở phía Bắc. Du lịch TP là xác định địa phương kiểm soát dịch, có vùng xanh tới đâu sẽ liên kết tổ chức tour đến đó.
Hội An phấn đấu trở thành điểm đến xanh
UBND TP Hội An và Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cùng các bên liên quan vừa ký kết và công bố “Khung kế hoạch doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới Hội An - điểm đến xanh giai đoạn 2021-2023”. Lộ trình đến năm 2023, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đặt mục tiêu có 100 DN tại địa phương tham gia cam kết doanh nghiệp giảm rác thải hướng tới “Hội An - điểm đến xanh” giai đoạn 2021-2023, trong đó 50% là doanh nghiệp lớn. Theo ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, thị trường du lịch chuyển đổi theo hướng du lịch xanh và thân thiện với môi trường giai đoạn hậu Covid-19 là hướng đi đúng và cần sự quan tâm của các bên liên quan.
TP Hội An được chọn là địa phương tiên phong thực hiện kế hoạch về phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025. Quảng Nam xem đây là hướng đi mới để định hướng cùng với các doanh nghiệp du lịch, người dân phát triển du lịch bền vững nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương.
Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cũng mở tour khép kín đón khách nội địa tại 4 huyện “vùng xanh” là: Côn Đảo, Xuyên Mộc, Châu Đức và Đất Đỏ. Tỉnh Khánh Hòa lên kế hoạch đón khách nội địa đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Với tỉnh Khánh Hoà, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vừa cho biết, từ 0h ngày 1/10, tỉnh Khánh Hòa cho phép các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại và chỉ phục vụ ăn uống tại chỗ đối với người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Người tiêm một mũi vaccine phải kèm theo giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Bắt đầu từ 16/10 đến 15/11. Thời gian này địa phương bắt buộc áp dụng “thẻ xanh Covid-19”, “thẻ vàng Covid-19”.
Sau thời gian thí điểm ổn định du lịch nội tỉnh, Khánh Hòa sẽ nới lỏng để đón khách du lịch đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 ở các tỉnh lân cận, đồng thời chuẩn bị các bước áp dụng “hộ chiếu vaccine” để đón du khách quốc tế trong thời gian sớm nhất.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, về mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch, Sở đề xuất cho phép triển khai các chương trình du lịch trọn gói cho khách nội tỉnh.
Triển khai các chương trình tham quan theo quy trình khép kín cho khách nội địa đến Quảng Bình đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bằng các chuyến bay, tàu hỏa, ô tô với hình thức thí điểm trong giai đoạn từ 1/10 đến 31/12 và tiếp tục mở rộng trong giai đoạn tiếp theo.
Đà Nẵng là nơi có nhiều điểm đến được du khách quan tâm.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, TP đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để đón khách, như tại 34 khách sạn đón khách cách ly thì 100% nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, 11.000 nhân viên ngành du lịch được tiêm mũi 1...
Về cơ bản, đến nay Đà Nẵng đã có bộ tiêu chí du lịch an toàn. Do đó, TP lên lộ trình đón khách vào giữa tháng 11 tới, trước mắt là khách nội tỉnh, sau đó là khách từ các địa phương lân cận, khách thăm thân...
Với thủ đô Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thông tin, dự kiến trong tháng 10, du lịch Hà Nội sẽ triển khai hoạt động theo giai đoạn 3: cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện hoạt động trở lại... chủ yếu phục vụ khách du lịch Thủ đô.
Sau khi Hà Nội chuyển sang giai đoạn “bình thường mới”, Sở sẽ đánh giá tình hình và kiến nghị triển khai giai đoạn 4, cho phép các doanh nghiệp du lịch hoạt động lại bình thường, được đón khách tại các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh.
Một số đơn vị như Hanoitourist, VietFoot Travel, Vietrantour, Asia Sun Travel… đã xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn để thí điểm đón khách. Phương án tổ chức những sản phẩm du lịch này đã được gửi tới các địa phương và mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện chạy thử một số tour vào tháng 10 và tháng 11.
Trong đó, Hanoitourist giới thiệu 5 sản phẩm: Tour caravan di chuyển bằng xe cá nhân tự lái về thăm Đường Lâm - Làng cổ đất hai Vua (Hà Nội), Hoa Lư - Cố đô nghìn năm (Ninh Bình), Đông Tây Bắc -Tuyệt tác vùng cao và Sa Pa -Vừa quen vừa lạ; tour mùa thu đến Bình Liêu, Yoko Quang Hanh (Quảng Ninh), Hoàng Su Phì (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La) hay Long Cốc và vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ); du lịch MICE; dịch vụ homestay và dịch vụ khách sạn an toàn.
Với những động thái trên, có thể thấy thời điểm này, vấn đề phục hồi du lịch nội địa đã có sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương, hiệp hội du lịch các tỉnh thành phố và doanh nghiệp du lịch.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng khuyến cáo, câu chuyện phục hồi du lịch nội địa trên phạm vi toàn quốc, nhưng lại dành cho những địa phương dám mạnh dạn mở cửa và triển khai các hoạt động du lịch trên địa bàn. Nói cách khác, các địa phương muốn thu hút du khách thì cũng phải đặt ra các tiêu chí, mục tiêu cụ thể và quyết tâm làm.
Về kỳ vọng khách trong nước sẽ giúp ngành du lịch thoát khỏi tình trạng “đóng băng”, giới chuyên gia khẳng định, thời điểm này nguồn khách nội địa sẽ là liều thuốc tốt giúp ngành du lịch trong nước hồi phục.
Chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc: Ngành phục hồi mạnh mẽ nhất sau Covid-19
Chúng ta đang chờ đợi sự phục hồi trở lại của du lịch, tuy nhiên phục hồi không có nghĩa quay trở lại ngày hôm qua. Chúng ta cần có thêm những sản phẩm mới, sáng tạo mới. Covid-19 đến là một sự thức tỉnh.
Các gia đình thay đổi thói quen du lịch, tích lũy ít đi và đi du lịch nhiều hơn. Quan điểm đi du lịch cũng khác, khách cần nhiều trải nghiệm hơn, thân thiện với môi trường hơn.
Tại Việt Nam, du lịch gắn liền với thiên nhiên, văn hóa, vẻ đẹp tiềm ẩn. Mặc dù hiện nay ngành du lịch đứng trước khó khăn nhưng đây sẽ là ngành phục hồi mạnh mẽ nhất sau khi Covid-19 được kiểm soát.
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: Nếu không có mở đầu, rất khó gỡ các nút thắt
Chúng ta cần triển khai ngay trong giai đoạn toàn ngành du lịch đang ở đáy, khi Covid-19 vẫn đang tác động rất nặng nề. Chính trong lúc khó khăn mới biết mình làm gì là phù hợp nhất và tìm ra điểm yếu để khắc phục.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là chúng ta chưa hiểu rõ khái niệm an toàn du lịch. Do đó chúng ta phải từng bước hoàn thiện các tiêu chí.
Khó khăn thứ hai là nhận thức. Hiện có nhiều địa phương rất tích cực triển khai du lịch, coi du lịch như công cụ để khôi phục lại kinh tế, nhưng có nhiều địa phương quá lo sợ vấn đề an toàn dịch bệnh.
Vì thế, vấn đề hiện nay là cần làm rõ và hiểu rõ khái niệm “vùng xanh”. Vùng xanh ở đây là những điểm nhỏ như một phường, một xã an toàn, thậm chí một ngôi chùa… an toàn vẫn có thể đi tham quan được, không nhất thiết cứ phải một tỉnh an toàn. Đó là khái niệm lạc hậu cần thay đổi.
Để triển khai chương trình khôi phục du lịch nội địa sẽ rất vất vả vì cần phải thống nhất được nhận thức, đồng bộ với nhau trong các hoạt động của ngành. Nhưng nếu không có mở đầu, sẽ khó gỡ các nút thắt.
H.Nhân