Gần đây, ngành văn hóa, du lịch, các đơn vị nghệ thuật... có thêm các sáng kiến thu hút mối quan tâm của đông đảo du khách. Bên cạnh những điểm cộng có sẵn và điểm cộng được phát huy; bên cạnh sự bừng thức và nở rộ các hoạt động du lịch, vẫn còn những địa chỉ ở dạng tiềm năng, hoặc vốn đã nổi danh nhưng do kém được chăm sóc, quảng bá, thiếu hướng đầu tư du lịch hóa nên còn vắng vẻ, ít nhận được mối quan tâm của cộng đồng.
Sở hữu cả một quần thể nhà độc đáo nhưng làng Cựu vẫn ở dạng tiềm năng, thậm chí còn đang dần mai một.
1. Hà Nội, với quần thể di tích dày đặc, trong đó nhiều công trình có vai trò đặc biệt quan trọng. Cùng với đó là hệ thống công trình dân dụng truyền thống và cảnh quan cây xanh, mặt nước, núi, sông tạo nên những thắng cảnh độc đáo.
Thêm hệ thống nghề truyền thống, các môn nghệ thuật dân gian, các sản vật địa phương, những tài sản vô giá này góp phần cho Hà Nội nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng, hấp dẫn, thường xuyên thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Điều này càng thấy rõ khi nhìn vào các hoạt động du lịch sôi nổi hàng ngày trong khu vực nội thành, nhất là trên các tuyến phố cổ, phố cũ Hà Nội.
Những năm gần đây, ngành văn hóa, du lịch, ban quản lý phố cổ, các đơn vị nghệ thuật… có thêm các sáng kiến thu hút mối quan tâm của đông đảo du khách. Có thể kể đến việc mở phố đi bộ, hoạt động chợ đêm, các chương trình diễn xướng kỳ ở khu vực chợ Đồng Xuân, trong các ngôi nhà di sản, một số đình, đền. Ngày càng nhiều hơn các hoạt động mới, các cuộc triển lãm, trưng bày trong khu vực, góp phần tạo thêm hình ảnh, màu sắc, thêm những “món ăn du lịch” cho công chúng tham quan, thưởng thức.
Còn phải kể thêm đến những không gian du lịch văn hóa, tâm linh đã thành truyền thống hoặc những địa chỉ tham quan đang thu hút du khách như vùng thắng tích Hương Sơn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, một số khu du lịch quanh chân núi Ba Vì, làng cổ Đường Lâm…
Nhưng bên cạnh những điểm cộng có sẵn và điểm cộng được phát huy; bên cạnh sự bừng thức và nở rộ các hoạt động du lịch, vẫn còn những địa chỉ còn ở dạng tiềm năng, hoặc vốn đã nổi danh nhưng do kém được chăm sóc, quảng bá, thiếu hướng đầu tư du lịch hóa nên còn vắng vẻ, thưa thớt, ít nhận được mối quan tâm của cộng đồng.
Trong nhiều ví dụ, có thể nói ngay đến làng Cựu ở xã Vân Từ, Phú Xuyên với hệ thống nhà truyền thống, nhà biệt thự giao thoa Pháp-Việt hiếm thấy, còn chưa bị phá vỡ, chưa bị kiến trúc xây dựng mới can thiệp. Nhưng dù chỉ cách trung tâm Hà Nội vài chục km, dù địa phương đã có nguyện vọng, và dư luận đã nhiều lần góp ý, gợi mở nhưng những ngôi nhà ở đây vẫn nằm chờ đợi một cơ chế để sửa chữa, gia cố, bảo tồn nhằm lưu giữ và du lịch hóa.
Cách không xa nơi này là “kho rối” độc đáo của nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Huy Hồng ở giữa không gian làng Đồng Vàng, xã Hoàng Long, Phú Xuyên, với nhiều hiện vật, tư liệu quý mà ông Huy Hồng tích lũy nhiều thập kỷ nay, luôn đau đáu được giới thiệu, quảng bá với công chúng.
Nhóm các phường rối nước cổ truyền ở huyện Thạch Thất như Bình Phú, làng Ra và Chàng Sơn vốn lưu giữ nhiều trò rối độc đáo, đều chung mong muốn được phát huy nghệ thuật cổ truyền vào hoạt động du lịch tại cơ sở nhưng cũng đã rất nhiều năm không có cơ hội hoặc thiếu sự quan tâm đầu tư hay kết nối với các tour, tuyến du lịch.
Cũng như thế, phường rối nước chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai mới thành lập 2 năm gần đây, đã hy vọng có thể du lịch hóa việc diễn xướng của mình trong không gian thắng tích núi Thầy nổi tiếng. Nhưng sau khi thành lập đến nay, với phường rối này, gần như vẫn là một sự im lặng.
Cùng trong địa bàn có bảo tàng tư nhân đầu tiên của tỉnh Hà Tây cũ-Bảo tàng họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ, khá đặc sắc với bộ sưu tập nhiều hiện vật quý trong dân gian, với hàng trăm bức tranh của các họa sĩ có tiếng. Nhưng như họa sĩ từng chia sẻ thì địa chỉ văn hóa của bà hầu như không được quan tâm giới thiệu, kết nối.
Và những đề xuất từ mấy năm nay về việc mở rộng không gian, khai thác một số vị trí thuận lợi để quảng bá bảo tàng, nhằm thu hút du khách, cũng chưa được địa phương để ý.
Rồi hệ thống đình làng dày đặc là nơi quy tụ của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật dân gian và nhiều phong tục, tập quán của các làng xã, hình như cũng chưa được coi trọng đúng mức trong con mắt của người làm du lịch?
Để thu hút du khách, cần thêm những sản phẩm du lịch mới (Ảnh: Lê Minh Đức).
2.Có thể thấy cả sự vắng vẻ, thiếu coi sóc, đầu tư nâng cấp hay sáng tạo những hình thức, nội dung du lịch mới ở các điểm từng được biết đến như các khu Đầm Long, Khoang Xanh, Ao Vua, Suối Ngọc… tập trung ở khu vực miền núi phía Tây của Hà Nội.
Với một số điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, trong đó có cả khu vực Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, thì hàng năm, bên cạnh sự thu hút khách thập phương về chiêm bái, vẫn còn nhiều tồn tại khó giải quyết trong công tác quản lý, xây dựng lễ hội văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý thương mại hóa lễ hội, phòng chống mê tín dị đoan…
Bên cạnh đó, còn phải kể đến những vốn liếng văn hóa, nghệ thuật đặc sắc đã tồn tại lâu đời tại các địa bàn ngoại thành của Hà Nội, nhưng việc tạo điều kiện để biến chúng thành các sản phẩm du lịch vẫn nằm trong mơ ước.
Đó là nghệ thuật hát Dô ở Quốc Oai, chèo tàu ở Đan Phượng, hò cửa đình ở Phú Xuyên, hát ca trù ở Đông Anh… Rồi hàng loạt các nghề cổ truyền, sản phẩm thủ công truyền thống khác trong không gian Hà Nội – đất trăm nghề, cũng từng được nhắc đến, được kỳ vọng sẽ góp phần làm phong phú thêm cho hoạt động du lịch.
Tư thế khởi động, chờ đợi cho hệ thống các di sản, di vật này lại kéo dài đã quá lâu. Tiềm năng thì rất “sẵn”, nhưng việc du lịch hóa những vốn liếng quý báu ấy thì lại có vẻ chậm chạp, hờ hững, hoặc trong cách làm, cách thể hiện lại mắc phải không ít những hạn chế.
Tất nhiên, những người trực tiếp làm công tác phát triển du lịch, thiết lập các tour, tuyến, xây dựng các “gói sản phẩm” du lịch sẽ có nhiều lý do về chuyên môn, nghiệp vụ để lý giải cho sự thiếu khởi sắc hoặc chậm cải tiến, đổi mới này. Nào là điều kiện giao thông chưa thuận lợi, nào là cơ sở vật chất, dịch vụ tại các khu vực còn nghèo nàn. Nào là nhận thức của người dân sở tại, hay ý thích, nhu cầu của du khách.
Trong khi việc đưa một đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm, ngoài việc xác định được điểm đến hấp dẫn, thì còn bao nhiêu đòi hỏi khác kéo theo. Nhưng nhìn rộng ra nữa, thì chính sự chậm chạp trong việc cải thiện, nâng cấp những điều kiện đó ở các địa bàn có tiềm năng du lịch, lại là câu hỏi cho không chỉ ngành du lịch.
Có thể các đơn vị kinh doanh hoạt động du lịch còn phải đứng trước sự đắn đo về khả năng có lãi khi khai thác các điểm đến mới, các di sản văn hóa trên địa bàn thành phố. Nhưng các cơ quan chức năng thuộc ngành du lịch, văn hóa của Thủ đô với vai trò quản lý, thúc đẩy, phát triển hoạt động du lịch, quảng bá truyền thống văn hóa, di sản của thành phố, cùng các cơ quan nghiên cứu, phát triển du lịch thì rất nên bước vào khảo sát, nghiên cứu khả năng du lịch hóa những tiềm năng này.
Đó là việc bước đi tiếp từ những gì đã có và nâng chúng lên, để vừa làm phong phú, đa dạng hơn các hoạt động du lịch, vừa góp phần tôn vinh truyền thống, bảo tồn di sản, vừa tạo điều kiện phát triển công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân sở tại một cách thiết thực.
Tiềm năng du lịch dồi dào. Ước mơ được làm du lịch với những di sản, sản vật mà mình có, vốn đã ở trong người dân và nhiều cấp chính quyền địa phương. Chỉ có điều không phải ai cũng biết bắt đầu từ đâu, nên làm như thế nào. Để giúp tiềm năng du lịch Thủ đô ra khỏi tình trạng nửa thức, nửa ngủ, có nơi ngủ quá lâu, rất cần những cuộc hợp tác mới.