Du lịch sẽ 'cất cánh'?

Thanh Xuân - Phạm Sỹ 02/01/2023 14:00

Kể từ khi mở rộng cửa đón khách (15/3/2022), ngành du lịch đã có nhiều nỗ lực nhằm phục hồi trở lại sau những mất mát bởi dịch Covid -19. Mục tiêu đón 5 triệu du khách quốc tế trong năm 2022 đã không đạt được, vậy mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong năm 2023 thì sao?

Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

“Trông người lại ngẫm đến ta”

Thái Lan là nước mở cửa sau chúng ta kể từ khi bị Covid -19 hoành hành. Thế nhưng, đến đầu tháng 12-2022, nước này đã chính thức đón 10 triệu lượt khách quốc tế và tổng thu lên tới 14 tỷ USD, bỏ xa kế hoạch cả năm.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Đạt Trường, một người đã từng làm trong lĩnh vực lữ hành cho biết, anh và gia đình vừa có một chuyến du lịch đến Thái Lan và anh nhận thấy ở Thái Lan, người ta làm du lịch rất chuyên nghiệp, đến từng người dân Thái cũng đều thân thiện, cởi mở, khiến cho du khách đến một lần lại muốn đến thêm lần nữa.

Có lẽ câu chuyện của anh Trường chỉ là một phần trong số những lý do để Thái Lan trở thành điểm hấp dẫn du khách nước ngoài.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành du lịch, một trong những điểm thu hút du khách nước ngoài đến với Thái Lan mạnh hơn hẳn so với Việt Nam nằm ở chính sách thị thực nhập cảnh (visa). Ngoài ra, Thái Lan cho phép du khách lưu trú tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần.

Không phủ nhận, thời gian qua, với những nỗ lực phục hồi, du lịch đã có những điểm khởi sắc rõ nét. Thế nhưng, chủ yếu khởi sắc ở phân khúc nội địa với những con số tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, năm 2022, du lịch nội địa đã có bước quay trở lại ngoạn mục khi số chuyến bay tăng tới 16% so với năm 2019. Việt Nam cũng là một trong 25 thị trường hàng không nội địa phục hồi tốt nhất thế giới. Đặc biệt, đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 4 đường bay bận rộn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, ở mảng du lịch quốc tế lại có một gam màu không được tươi sáng như nội địa.

Nhiều du khách lựa chọn Hội An (Quảng Nam) là điểm đến cho những kỳ nghỉ của mình.

Lạc quan với mục tiêu hút 8 triệu khách quốc tế

Dù ngành du lịch đang còn gặp khá nhiều trắc trở trong việc thu hút khách du lịch quốc tế, thế nhưng, bước sang năm 2023, các doanh nghiệp lữ hành, giới chuyên gia du lịch tỏ vẻ khá lạc quan với mục tiêu thu hút 8 triệu du khách quốc tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu này của du lịch nước nhà không phải quá khó khăn, khi những vướng mắc, rào cản đã được “mổ xẻ” một cách kỹ lưỡng, để từ đó có những giải pháp phù hợp. Trong đó, việc tháo gỡ những nút thắt về chính sách visa là một trong những yếu tố quan trọng.

Được biết, trước những nút thắt về vấn đề visa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã kiến nghị Chính phủ xem xét, áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách; tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động này. Đặc biệt, cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho họ tới du lịch và đi lại trong nước; xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho du khách quốc tế...

Đáng chú ý, tại dự thảo báo cáo tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, đối với mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế và 102 triệu khách nội địa trong năm tới, ngành du lịch cho biết, sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai công bố "Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045" sau khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; triển khai đề án "Ứng dụng công nghệ công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Trong công tác xúc tiến quảng bá, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện du lịch quốc tế như: Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ Du lịch ITB ở Berlin - Đức; Hội chợ Du lịch WTM tại London - Anh. Ngành du lịch cũng sẽ tổ chức truyền thông về điểm đến Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn. Đây chính là những bàn đạp để thúc đẩy phát triển du lịch trong bối cảnh mới.

Để khơi thông những điểm nghẽn, đưa ngành công nghiệp không khói bứt phá trong năm tới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Đoàn Văn Việt cũng đề nghị ngành du lịch cần tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách du lịch quốc tế, tham mưu các vấn đề liên quan đến xuất nhập cảnh đối với khách quốc tế, kết nối thị trường…

Đối với câu chuyện nguồn nhân lực, một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, sẽ có chính sách thu hút trở lại nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc. Tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Cùng với đó, để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, các chuyên gia trong ngành cũng nhấn mạnh vào vấn đề triển khai đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch; thúc đẩy xúc tiến, quảng bá, mở rộng thị trường, chuỗi cung ứng du lịch; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vào phát triển du lịch…

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, miền Tây Nam bộ luôn là một điểm đến lý tưởng cho những kỳ nghỉ. Bởi lẽ, thời tiết nơi đây luôn nắng ấm, chan hòa, mùa xuân lại là dịp trăm hoa khoe sắc... Nhiều du khách hào hứng với những điểm đến hấp dẫn như Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang. Cuối năm 2022, lượng khách nước ngoài liên tục đổ về cù lao Tân Châu (An Giang) thưởng ngoạn cảnh đẹp trên sông Tiền. Còn tại Phú Quốc, các doanh nghiệp đang tất bật chuẩn bị đón khách du Xuân và tung ra nhiều khuyến mãi hấp dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch sẽ 'cất cánh'?