TPHCM vừa tổ chức chuỗi hoạt động Lễ hội sông nước lần đầu tiên, gồm nhiều hoạt động ở các địa điểm khác nhau với mục đích thu hút khách du lịch, tạo bản sắc riêng, phát triển các mô hình du lịch gắn với sông nước.
Tận dụng lợi thế sông nước
Với 1.000km đường sông đan xen, kết nối và đi qua hầu khắp các quận, huyện thành phố trực thuộc, tiềm năng du lịch gắn với sông nước ở TPHCM là vô cùng lớn. Đặc biệt, TPHCM cũng là trung tâm giao thông lớn ở phía Nam, với lượng hành khách đi qua địa bàn rất lớn. Chỉ tính riêng khu vực sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm đã có tới 40 triệu lượt hành khách đi qua. Vì vậy, có thể giữ chân một lượng hành khách tới TPHCM bằng các hoạt động du lịch sông nước cũng là một thành công rất lớn.
Dù mới lần đầu được tổ chức nhưng lễ hội sông nước ở TPHCM đã diễn ra ở nhiều địa điểm, với nhiều tiết mục phong phú, vui nhộn, thu hút đông đảo người dân, khách thập phương tham gia. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho hay, cùng với sự phát triển của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM, qua hơn 300 năm, dọc theo các con sông và kênh rạch, các cảng - bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành và phát triển nhộn nhịp. Điều này tạo nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TPHCM.
Vì vậy, việc thành phố tổ chức lễ hội là nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng. Cùng với đó là đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông nước trên địa bàn, qua đó hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Có thể nói, việc tổ chức lễ hội sông nước là cần thiết nhưng mới chỉ là bước khởi đầu, cần thêm nhiều dịch vụ khác để có thể thu hút khách du lịch, người dân. Đặc biệt, thời gian tổ chức lễ hội chỉ kéo dài vài ngày và vấn đề quan trọng nhất là làm sao để tiếp tục kéo khách du lịch đến với các dịch vụ sông nước mới là điều quan trọng, điều này rất cần một lộ trình phát triển bền vững.
Tiềm năng lớn
Do địa hình nhiều sông rạch nên TPHCM đã tổ chức nhiều lễ hội (hàng năm) gắn bó với sông nước. Các lễ hội như chợ hoa trên bến dưới thuyền, lễ hội nghinh ông Cần Giờ, đua ghe ngo mới đây… đều đã được tổ chức. Trong đó, các lễ hội như chợ hoa trên bến dưới thuyền, lễ nghinh ông đã được tổ chức lâu nay nhưng đều chưa thể gây được thương hiệu riêng thu hút khách du lịch. Thực tế cho thấy, các lễ hội này thường chỉ kéo dài ít ngày và có một khoảng trống lớn về thời gian còn lại. Các lễ hội ở TPHCM đang cần sức lan tỏa kéo dài hơn để sau khi kết thúc “điểm nhấn” lễ hội thì du khách vẫn nhớ đến để trở lại và các dịch vụ sẵn sàng được đáp ứng. Bởi khách du lịch thường tới TPHCM rải rác suốt cả năm chứ không chỉ riêng vài ngày diễn ra lễ hội.
Giới chuyên gia nhận định, Lễ hội sông nước vừa diễn ra có đặc thù và nhiều tiềm năng, có thể trở thành lễ hội đặc trưng của TPHCM. Mặc dù mới được tổ chức lần đầu nhưng với các gian hàng ẩm thực đậm chất Nam Bộ, tiết mục biểu diễn sông nước, đua ghe thuyền, vui chơi… đã tạo nên sự thích thú, phấn khích cho nhiều người dân, khách du lịch. Những tín hiệu này được kỳ vọng sẽ giúp cho lễ hội này trở lên phong phú, đa dạng hơn trong những năm tiếp theo.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, bên cạnh các hoạt động trong lễ hội sông nước, thành phố còn có khoảng 20 chương trình du lịch gắn với sông nước đang hoạt động trên địa bàn. Trong đó, hầu hết các tuyến du lịch đều bắt nguồn từ bến Bạch Đằng (quận 1) và tỏa đi khắp các địa bàn men theo sông Sài Gòn.
Cũng theo lãnh đạo Sở Du lịch TPHCM, thời gian tới ngành du lịch thành phố sẽ mở thêm khoảng 10 tour “tầm xa”, kết nối TPHCM với các địa phương xa hơn như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Côn Đảo hay thậm chí là tới PhnomPhenh (Campuchia), bên cạnh các tour gần từ bến Bạch Đằng đi Bình Thạnh, Bình Quới… Có thể nói, với những lợi thế đang có, việc thu hút thêm khách du lịch cho các tuyến du lịch liên quan đến sông nước ở TPHCM là rất khả thi. Và lễ hội sông nước như một điểm nhấn mang tính kích thích, quảng bá du khách tới với sông nước TPHCM.