Ứng dụng đặt phòng Booking.com vừa mới công bố Chỉ số Tự tin Du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương (TCI) 2023, khảo sát hơn 8.000 du khách từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Việt Nam là thị trường duy nhất tại châu Á nằm trong nhóm “Mindful Voyagers” (du lịch có ý thức).
Cụ thể, các chỉ số dựa trên nghiên cứu tập trung vào hành vi du lịch của du khách tại các thị trường châu Á - Thái Bình Dương giữa những biến đổi lớn của nền kinh tế hiện tại và ảnh hưởng của nó lên quyết định du lịch. Trong số các quốc gia, Việt Nam là thị trường duy nhất tại Châu Á trong việc tiếp cận du lịch thận trọng và chu đáo, có tinh thần trách nhiệm với môi trường và mong muốn hỗ trợ cộng đồng địa phương. Theo đó, người Việt có xu hướng tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ, tìm kiếm thử thách khi đi du lịch (38%). Có 35% du khách Việt mong muốn khám phá chính đất nước mình nhiều hơn và 34% thám hiểm những điểm đến ít phổ biến với du khách.
Thời gian qua du lịch Việt Nam đã liên tiếp “ghi điểm” với bạn bè quốc tế. Thậm chí, ngay trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang trở thành “điểm nóng” thu hút khách du lịch. Theo báo cáo từ công cụ phân tích dữ liệu du lịch Google Destination Insights, Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 trong thống kê từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20. Đặc biệt, gần đây Việt Nam đã thông báo chính sách thị thực mới cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam, tăng gấp 3 lần thời gian miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày đối với một số quốc gia. Đối với du khách quốc tế đủ điều kiện xin thị thực điện tử vào Việt Nam, thị thực sẽ có hiệu lực lên đến 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, việc sửa các luật về xuất nhập cảnh theo hướng nới lỏng chính sách visa đã mở ra cơ hội cho du lịch Việt Nam, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải làm gì để tận dụng được cơ hội đó. Chúng ta cho phép khách du lịch nước ngoài có thể lưu trú đến 45 ngày nhưng khi họ ở lại 45 ngày đó thì phải lo lắng họ trải nghiệm gì, thưởng thức gì để họ thực sự thích thú ở lại? Phải có sự chuyển biến để thích ứng.
Cũng theo ông Bình, để có sự chuyển biến, cần có sự chung tay, nỗ lực của các cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương, của chính quyền các cấp và của các doanh nghiệp du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải liên kết nhiều ngành, nhiều vùng. Nếu không có một hệ thống thống nhất trên cả nước thì một ngành không thể làm được. “Bản thân những người làm du lịch phải đi trước để tạo động lực, lôi cuốn tất cả các lĩnh vực khác theo chứ không thể bị động ngồi chờ sự chuyển biến từ nơi khác. Những người làm tích cực nhất, lăn lộn nhất thì bao giờ cũng thu được kết quả xứng đáng” - ông Bình nhấn mạnh.