Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay ghi nhận lượng khách du lịch tăng mạnh. Có được kết quả ấn tượng, ngoài việc các địa phương chủ động khai thác thế mạnh sẵn có như: văn hóa truyền thống, di tích lịch sử, ẩm thực thì xu hướng du lịch xanh ngày càng chiếm ưu thế…
Hầu hết các điểm du lịch trọng điểm trên cả nước đều ghi nhận tín hiệu tích cực với lượng khách tăng mạnh so với cùng kỳ 2024. Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cả nước đón khoảng 10,5 triệu lượt khách 5 ngày nghỉ, tăng hơn 31% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, TPHCM cao nhất với gần 2 triệu lượt; Thanh Hóa ước đón 1,6 triệu lượt khách; Quảng Ninh ước đón gần 1,2 triệu lượt...
Về doanh thu, TPHCM dẫn đầu của cả nước khi trong 5 ngày nghỉ lễ thu về hơn 7.100 tỷ đồng, Thanh Hóa đứng thứ hai với doanh thu gần 4.200 tỷ đồng và với hơn 3.000 tỷ đồng, Quảng Ninh thứ 3.
Sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách đến từ nhiều yếu tố, nhưng không thể phủ nhận hạ tầng giao thông cải thiện đã giúp du khách di chuyển dễ dàng hơn. Các địa phương, doanh nghiệp cũng không ngừng đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Đáng chú ý, xu hướng du lịch xanh – gắn với thiên nhiên, bảo vệ môi trường ngày càng được các địa phương chú trọng. Các mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái được đầu tư và quảng bá mạnh mẽ. Đây không chỉ là xu hướng mà đang dần trở thành một định hướng phát triển tất yếu.
Các chuyên gia cũng cho rằng, “điểm đến xanh” không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường tự nhiên, mà còn bao hàm cả việc tạo dựng những giá trị văn hóa, xã hội bền vững. Một “điểm đến xanh” lý tưởng phải đáp ứng các tiêu chí như: sử dụng tài nguyên hiệu quả, quản lý rác thải hợp lý, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì giá trị văn hóa bản địa, bảo đảm quyền lợi cho cộng đồng địa phương và mang lại trải nghiệm tích cực cho du khách.
Điển hình như Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng (Đà Lạt)... đang làm rất tốt mô hình du lịch sinh thái như hạn chế xây dựng ồ ạt, phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản và thiên nhiên.
Những địa phương này đang cho thấy sự chuyển mình rõ nét trong chiến lược phát triển du lịch bền vững, góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực, phản ánh sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng – khi du khách ngày càng quan tâm đến các trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và tôn trọng giá trị bản địa.
Đồng thời, điều này cũng cho thấy, nhận thức của các địa phương trong việc phát triển du lịch bền vững đã được nâng cao, với nhiều mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái và nông nghiệp kết hợp du lịch được triển khai hiệu quả.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai.
Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch xanh thực sự hấp dẫn, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm thì ngoài tài nguyên là thiên nhiên, văn hóa thì điều kiện cần có là nâng cao chất lượng dịch vụ, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện, giữ gìn vệ sinh môi trường trong hoạt động du lịch. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh việc kết nối các điểm đến du lịch xanh gắn liền với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, nông nghiệp, du lịch cộng đồng để tạo ra những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn du khách.
Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cho rằng, để xu hướng “du lịch xanh” phát triển một cách bền vững, trước tiên cần có nhận thức đúng đắn về du lịch xanh. Cần có sự tôn trọng thiên nhiên, khai thác tài nguyên một cách tiết kiệm và hợp lý.
“Để du lịch xanh phát triển bền vững, cả phía cung và cầu cần phối hợp hài hòa, không chỉ bảo vệ thiên nhiên mà còn gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa; Tránh quá tải tại các điểm đến bằng cách giới hạn số lượng du khách mỗi ngày... Cùng với đó là xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và kiểm tra định kỳ mức độ bền vững của từng điểm du lịch. Một điểm đến xanh lý tưởng phải đạt được các tiêu chí như: sử dụng tài nguyên hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì các giá trị văn hóa bản địa” - ông Lương nhấn mạnh.
Khánh Hòa thu hút trên 1 triệu lượt du khách
Trong dịp lễ 30/4 - 1/5, tỉnh Khánh Hòa đón hơn 1 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; trong đó, có trên 273.000 lượt khách lưu trú với 75.005 lượt du khách quốc tế; công suất sử dụng phòng đạt bình quân trên 88%; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1.377 tỷ đồng.
Kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội để ngành du lịch địa phương thu hút và phục vụ lượng lớn du khách. Do vậy, để phục vụ du khách chu đáo, các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú cùng các đơn vị cung ứng dịch vụ ở Khánh Hòa đã có sự chuẩn bị tốt nhất về nhân lực, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo cảnh quan đẹp, không gian xanh, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách.
Để thu hút ngày một đông du khách đến với Khánh Hòa, các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các doanh nghiệp du lịch nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, vui chơi giải trí; tăng cường tổ chức các sự kiện, chương trình kích cầu, khuyến mãi, chấp hành các quy định đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo điều kiện an ninh, an toàn cho du khách, an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đăng ký giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. UBND thành phố Nha Trang đã niêm yết mã QR giới thiệu về thành phố Nha Trang và thông tin đường dây nóng hỗ trợ khách du lịch để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch…
Thùy Trang