Chính trị

Dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức phải luôn 'sống'

H.Vũ 18/12/2023 09:23

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước sẽ được đưa vào quản lý, sử dụng và khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ kể từ ngày 1/1/2024.

anh-bai-tren(3).jpg
Khai thác, sử dụng dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia bằng tài khoản do Bộ Nội vụ cung cấp. Nguồn: VGP.

Bộ Nội vụ đã chính thức hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ cho biết, quy mô dự kiến quản lý khoảng 2,5 triệu hồ sơ về cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước. Vì vậy, việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong chia sẻ dữ liệu là nhiệm vụ được Bộ Nội vụ ưu tiên hàng đầu.

Hệ thống phần mềm Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước bao gồm các phần mềm phục vụ quản lý, vận hành và khai thác dữ liệu. Cụ thể: Khối phần mềm định danh, xác thực người dùng; Khối phần mềm cập nhật, đồng bộ dữ liệu từ bộ, ngành, địa phương; khối phần mềm quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia; khối phần mềm xác thực dữ liệu; ứng dụng di động dành cho cán bộ, công chức, viên chức khai thác.

Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, việc hướng dẫn, hỗ trợ kết nối, cập nhật, đồng bộ dữ liệu bắt đầu triển khai thực hiện sáng kiến từ tháng 3/2023, đến 14/12/2023, 100% bộ, ngành, địa phương kết nối trực tiếp qua API (96 đầu mối), dữ liệu được cập nhật, đồng bộ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức các bộ, ngành là 231.961; Dữ liệu của địa phương là 2.020.464 đạt 99,44%, đảm bảo “Đúng - Đủ - Sạch”. Từ 30/10/2023 đến 30/12/2023 dữ liệu đảm bảo “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”.

Theo Bộ Nội vụ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước sẽ được đưa vào quản lý, sử dụng và khai thác phục vụ công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nội vụ kể từ ngày 1/1/2024.

Song điều quan trọng là làm sao để dữ liệu “sống” để có thể kết nối và khai thác hiệu quả dữ liệu, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong thời gian tới cần thường xuyên làm “sống” dữ liệu trong cơ sở dữ liệu, phục vụ hiệu quả hơn nữa công tác quản lý nhà nước của bộ, ngành Nội vụ. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định, phân cấp trong việc kết nối, khai thác, vận hành, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng việc cập nhật, kết nối, khai thác.

Để khai thác sử dụng dữ liệu hiệu quả, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ quan điểm, việc triển khai xây dựng và hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ Chính phủ số. Nhưng quan trọng là việc kết nối trên toàn quốc để phục vụ cho quản lý Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức từ cấp cơ sở cho đến trung ương.

“Hiện nay tại các trang thông tin của các bộ, ngành, địa phương đều có thông tin của lãnh đạo bộ từ bộ trưởng, thứ trưởng, cho đến lãnh đạo địa phương. Bây giờ thông tin về công chức, viên chức cũng được công khai từ ngày sinh, quê quán, quá trình công tác, làm việc, phụ trách lĩnh vực gì. Trước đây, chỉ có một số chức danh lãnh đạo được công khai thông tin thì nay là cả hệ thống cán bộ, công chức, viên chức được công khai và minh bạch” - ông Dĩnh nói và cho rằng vừa cập nhật và công khai các thông tin cơ sở dữ liệu về cán bộ chính là cái để cơ sở dữ liệu “sống”, để có thể khai thác và sử dụng hiệu quả. Đây là việc giúp ích rất lớn trong việc quản lý, bởi khi xác minh thông tin về một cán bộ công chức, viên chức không phải đi điều tra nữa mà lên hệ thống có thể thấy. Do đó trong thời gian tới cần cập nhật thường xuyên, liên tục và kịp thời thông tin cơ sở dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức thì cơ sở dữ liệu mới “sống”. Ngoài mục đích quản lý, còn giúp ích cho tra cứu thông tin của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động kể từ khi được tuyển dụng, ký hợp đồng lao động cho đến khi không còn làm việc tại các cơ quan Nhà nước.

“Hay như một người tuyển dụng lao động muốn tuyển dụng thì có thể truy cập vào hệ thống để biết quá trình công tác của cán bộ đó ra sao? được đào tạo thế nào? năng lực sở trường ra sao. Cho nên cơ quan quản lý cán bộ phải liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu của cán bộ đó và kết nối với cơ sở dữ liệu toàn quốc. Bởi con người là yếu tố luôn thay đổi, từ vị trí công tác, nơi công tác” - ông Dĩnh bày tỏ.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội nhìn nhận, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước là cần thiết. Cập nhật thông tin về cán bộ, công chức, viên chức phải liên thông trong một hệ thống từ trung ương xuống cơ sở, bởi con người thì có thể “nay ở cơ quan này nhưng mai lại chuyển công tác sang đơn vị khác”. Nhưng bên cạnh đó cần quan tâm đến yếu tố bảo mật như: ai được phép truy cập, khai thác, sử dụng?

Trước đó, Bộ Nội vụ đã có Thông tư 06/2023 ban hành Quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Theo đó quy định: Dữ liệu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được quản lý theo độ hạn chế tiếp cận, mã hóa một số trường thông tin để bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin trong công tác cán bộ. Việc xác định độ hạn chế tiếp cận của dữ liệu thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức phải luôn 'sống'