Thuốc lá nung nóng (TLNN), thuốc lá điện tử (TLĐT) dù có yếu tố công nghệ mới, tuy nhiên đây không phải là lý do để trì hoãn việc đặt các mặt hàng thuốc lá này dưới sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ.
Nội dung trên đã được các đại biểu từ các bên liên quan đưa ra thảo luận tại tọa đàm “Đề xuất chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới” trên Truyền hình Quốc hội vào ngày 24/9 vừa qua.
Từ Luật Đầu tư, Chính phủ có thẩm quyền quy định quản lý thuốc lá mới
Tại tọa đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp Lê Đại Hải cho rằng, các loại thuốc lá mới dễ nhận diện là sản phẩm thuốc lá như TLNN có thể đưa vào quản lý bằng cách sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP.
Theo ông Hải, cần có cái nhìn toàn diện đối với hệ thống pháp luật Việt Nam. Hệ thống Luật hiện đang áp dụng cho thuốc lá hiện nay bao gồm khía cạnh kinh doanh và phòng chống tác hại thuốc lá. Về phòng chống tác hại có Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) năm 2012. Còn về quy định sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc lá thì có Luật Đầu tư.
Dựa trên Luật PCTHTL, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định liên quan, gồm Nghị định 77/2013/NĐ-CP quy định thi hành Luật PCTHTL, các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá, và Nghị định 67/2013/NĐ-CP quy định về kinh doanh thuốc lá.
Các nghị định nêu trên từng được sửa đổi bởi Nghị định 106, Nghị định 08 của Chính phủ trong quá trình thực hiện để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Không chỉ cơ sơ pháp lý trong nước, dưới các văn bản quốc tế việc định nghĩa TLNN đã được nêu rõ từ rất sớm. Vì vậy, các đại biểu đánh giá, việc trì hoãn việc quản lý vì lý do thiếu luật hay thiếu căn cứ để phân loại, định danh sản phẩm là không có cơ sở.
Theo đó, có hai căn cứ để định danh TLLN là thuốc lá. Trước hết, TLNN có chứa nguyên liệu tự nhiên như thuốc lá điếu truyền thống (phân biệt với TLĐT có dung dịch tinh dầu và sản phẩm lai TLNN – TLĐT thuộc nhóm cần đánh giá, xem xét thêm). Thứ hai, các công bố quốc tế đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) hay Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO),... đều định nghĩa TLNN là thuốc lá, kèm khuyến cáo cần kiểm soát chặt chẽ theo luật hiện hành ở mỗi quốc gia.
Trong nước, Luật Đầu tư quy định thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và thuộc thẩm quyền kiển soát của Chính phủ. “Bằng Luật Đầu tư, có thể sửa Nghị định 67 về sản xuất, kinh doanh thuốc lá. Nếu như chúng ta xác định thuốc lá thế hệ mới, cụ thể là TLNN, là sản phẩm thuốc lá, thì đủ điều kiện để đưa vào quản lý”, ông Hải chỉ rõ.
Bàn về việc định danh TLNN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: “Tuy TLĐT chưa được đề cập trong Luật PCTHTL, nhưng TLNN lại rất sát với định nghĩa về thuốc lá của luật này”.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội, nhắc lại từ năm 2020 Bộ Khoa học - Công nghệ đã ban hànhQuyết định số 3458/QĐ-BKHCN quy định rõ 3 tiêu chuẩn quốc gia về TLNN. Đây cũng là cơ sở kiện toàn nền tảng cho chính sách quản lý TLNN trong nước.
Bộ máy Nhà nước đảm nhiệm việc kiểm soát thuốc lá
Giải đáp những quan ngại về năng lực quản lý TLNN hay các sản phẩm thuốc lá mới khác, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, Việt Nam không thiếu các cơ quan nhà nước để thực thi việc kiểm soát thuốc lá toàn diện. Cụ thể, hiện đã có các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu, thuế, hải quan, thị trường và lực lượng công an chuyên trách, chưa kể Ban Chỉ đạo quốc gia 389 về phòng chống các tội phạm buôn lậu. Bà Liên cho rằng, “về mặt tổ chức bộ máy và cơ chế thực thi thì chúng ta không thiếu”.
Ông Hải bổ sung thêm: “Nếu như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá, kiểm nghiệm thuốc lá mới, đặc biệt là TLNN do dễ nhận diện là sản phẩm thuốc lá hơn, có thể đưa ra những quy định quản lý như khuyến cáo của WHO, đó là cần phải quản lý như đối với thuốc lá truyền thống, thì chúng ta đã có sẵn kinh nghiệm, bộ máy, con người để có thể thực hiện được điều này”.
Nút thắt trong tiến trình quản lý thuốc lá mới hiện nằm ở việc thiếu thống nhất trong quan điểm của các bộ ngành tham mưu cho Chính phủ, bao gồm Bộ Công Thương và Bộ Y Tế. Các đại biểu đã phân tích, tuy mỗi hướng tiếp cận đều dựa trên cơ sở cụ thể, nhưng chính quan điểm khác biệt này đã “bỏ ngỏ” hành lang pháp lý cho mặt hàng này quá lâu, tạo điều kiện cho tình trạng vi phạm pháp luật leo thang, trong khi chưa có chế tài đủ mạnh để dập tắt các tệ nạn, hệ lụy liên quan.
Theo đó, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phân tích, việc đặt một sản phẩm tiêu dùng nằm ngoài diện theo dõi, quản lý từ chất lượng cho tới các hoạt động sản xuất mua bán, tiêu dùng và hệ lụy của nó là một sự bất cập trong quản lý nhà nước. “Điều này là thước đo về tầm nhìn, năng lực, trách nhiệm quản lý, khả năng quản lý hiệu quả,” ông Phong đánh giá.
Đối với cả hai quyết định hoặc “thả nổi”, hoặc cấm tuyệt đối, ông Phong cho rằng đều đem đến hệ lụy là“vừa không thu được ngân sách, vừa phải chi thêm ngân sách để xử lý những hệ lụy chính sách này gây ra”.
Do đó, ông Phong kiến nghị cần đánh giá vấn đề ở tầm quốc gia với những bằng chứng thuyết phục, từ đó sản phẩm vào diện kiểm soát nghiêm như cách kiểm soát thuốc lá truyền thống. Và một trong những nguyên tắc quan trọng để xác lập thái độ đối với vấn đề kiểm soát các sản phẩm thuốc lá đó là: “Nếu sản phẩm nào càng có hại hơn thì chúng ta kiểm soát càng chặt chẽ hơn,” ông Phong kết luận.