Dự phóng tăng trưởng tín dụng VPB năm 2023 đạt 19%

Lê Trang (Tổng hợp) 07/03/2023 15:04

Ngân hàng Nhà nước vừa phân bổ hạn mức (room) tín dụng năm 2023 riêng cho từng ngân hàng. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB) là 1 trong 4 ngân hàng sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, qua đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.

Dự báo tăng trưởng tín dụng các ngân hàng

KBSV dự báo VPB đối mặt với rủi ro từ dư nợ bất động sản và trái phiếu, chi phí trích lập dự phòng tăng gây sức ép lên biên lãi.

Mới đây, theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các chuyên gia dự phóng tăng trưởng tín dụng 2023 của VPB đạt 19% trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ngân hàng đề cao quản trị rủi ro.

Trước đó, trong quý IV/2022, VPBank có lợi nhuận ròng tăng trưởng âm do chi phí dự phòng và hoạt động tăng cao. Thu nhập lãi thuần quý IV/2022 tăng 20,6% so với cùng kỳ, nhờ tín dụng tăng trưởng 26,0%.

Chi phí dự phòng và chi phí hoạt động tăng mạnh trong quý IV/2022, lần lượt ở mức 36,3% và 42,4%, khiến lợi nhuận ròng quý 4/2022 giảm 6,7%. Trong cả năm 2022, lợi nhuận ròng VPB tăng 53,9% sau khi loại trừ phí trả trước từ thương vụ bancassurance với AIA.

Ngân hàng mẹ VPB đạt tăng trưởng tín dụng 30,9% trong năm 2022, cao nhất trong hệ thống, nhờ cho vay tăng trưởng mạnh 29,2%, đặc biệt là ở phân khúc bán lẻ và SME (+36,8%). Tăng trưởng tiền gửi cũng hết sức ấn tượng ở mức 28,5%, cao hơn nhiều đối thủ khi VPB tiếp tục thu hút nhiều khách hàng mới với ứng dụng VPBank NEO.

Tuy nhiên, trong năm nay, các chuyên gia từ KBSV cho rằng VPB phải đối mặt với rủi ro từ dư nợ bất động sản và trái phiếu. Theo đó, tỷ lệ dư nợ nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng cùng nhóm cho vay mua nhà trên tổng dư nợ tín dụng đạt 36,5%, tăng 4,3 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng quý IV/2022 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ quý IV/2021.

Trước đó, tại Báo cáo triển vọng năm 2023 KBSV hồi cuối năm ngoái, nhóm phân tích cũng đã có những dự báo về tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng trong năm 2023.

Cụ thể, KBSV dự báo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong năm 2023 dưới áp lực từ việc tăng trưởng tín dụng toàn ngành phải chậm lại cùng áp lực chi phí vốn sẽ rõ ràng hơn trong giai đoạn quý IV/2022 - quý II/2023.

Tuy nhiên, đây sẽ là một trong những nhà băng được ưu tiên cấp room tín dụng ở mức cao cho năm 2023, nhờ chất lượng tài sản tốt, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp, tham gia tiếp nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng yếu kém và cung cấp các gói hỗ trợ theo yêu cầu của Chính Phủ.

Với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - Mã: BID), KBSV kỳ vọng BIDV có thể đẩy giải ngân tín dụng lên mức tăng trưởng cao hơn nhờ việc ngân hàng được NHNN nới room tín dụng thêm 2% nâng room cả năm lên 12,7%.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB) cũng được dự báo ghi nhận tăng trưởng tín dụng vượt trội cho giai đoạn 2023 và 2024 lần lượt là 23,1% và 28,4% nhờ tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém cùng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) khoảng 12% và tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) vẫn còn dư địa để tăng tín dụng trong bối cảnh huy động chậm lại.

Dự báo lãi suất huy động năm 2023

VNDirect dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ 0,5% trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng khoảng 2-3% trong năm 2022. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Khó khăn cũng sẽ qua, thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm. Lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ quý II/2023.

Đồng thời, Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng giúp lãi suất tiền gửi có thể giảm nhẹ.

Tình hình đầu quý III/2023 sẽ dần dễ thở hơn, lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ cuối quý II/2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần về cuối năm. Tuy nhiên, các chuyên gia đã dự báo về lãi suất, đồng thời nhận định 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn 2022.

Mặc dù biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động, song năm 2023, lãi suất cho vay được dự báo còn dư địa tăng. Trong trường hợp lãi suất huy động tạo đỉnh trong nửa đầu 2023, lãi suất cho vay có thể ghi nhận mức tăng thấp hơn lãi suất huy động, tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các ngành nghề, phân loại ưu tiên.

[Ngày 6/3: Lãi suất tiền gửi đồng loạt hạ]

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự phóng tăng trưởng tín dụng VPB năm 2023 đạt 19%