Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể với nhiều điểm mới được nhiều chuyên gia giáo dục, đại diện các trường ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn những điều băn khoăn. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đến hết ngày 27/4. Sau đó, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo lần cuối.
Ảnh minh họa.
Theo GS TS Phạm Tất Dong, ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021: Dự thảo chương trình đề cập đến chân dung người học sinh mới gồm 10 năng lực cốt lõi và 6 phẩm chất là chưa phù hợp.
Cụ thể, không nên tách phẩm chất ra khỏi năng lực. Giáo dục là để hình thành, phát triển năng lực, từ đó giải quyết được các công việc, các vấn đề xã hội đặt ra.
Thông qua hoạt động đó, con người sẽ dần hình thành các phẩm chất cần có. Nếu đặt ra các phẩm chất để yêu cầu giáo dục phải đạt được dường như đang đi ngược lại quy luật thông thường.
Bên cạnh đó, ông Dong cũng đặt câu hỏi về tính giảm tải của chương trình khi theo dự thảo, những mục tiêu đặt ra quá nhiều. Nhất là ở cấp tiểu học chỉ nên dạy những điều cơ bản nhất như biết viết đúng chính tả tiếng Việt, biết tính toán đơn giản và biết một số kỹ năng cần thiết là đủ...
Rất nhiều kiến thức được đề cập là tự chọn nhưng bản thân khi áp dụng vào từng nhà trường có thể biến thành căng thẳng với các em.
Đối với cấp phổ thông, ông Đào Tuấn Đạt - Người phụ trách chuyên môn trường THPT Anhxtanh, Hà Nội cho rằng, số tiết học của chương trình cũ và mới đều khoảng 30 tiết một tuần, vậy là như nhau.
Học sinh lớp 11, 12 bị bắt buộc học tới 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Quốc phòng và 4 môn tự chọn là 8 môn. Số môn nhiều như trước đây, không có vẻ gì là giảm tải. Vậy học sinh lấy đâu sức lực và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp?. Vì vậy, ông Đạt đề xuất ở hai năm lớp 11, 12 chỉ nên học từ 2-3 môn, còn lại là hoạt động giáo dục thực tế khác.
Cũng chung góp ý về hệ thống các môn học, PGS TS Nguyễn Thị Minh Phương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục, cho rằng nên xem lại vị trí các môn giáo dục an ninh, quốc phòng khi được đặt lên trước một số môn khác.
Trong khi nhiều nước ưu tiên dạy học sinh các môn văn hóa thì chúng ta lại dạy học sinh môn giáo dục an ninh, quốc phòng – tuy cũng cần, nhưng không nên đặt ưu tiên hơn các môn học khác.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã từng khẳng định tại cuộc họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây rằng, việc đưa bộ môn giáo dục an ninh quốc phòng, giáo dục thể chất vào chương trình dạy là theo Nghị quyết của Quốc hội, nếu muốn thay đổi thì phải trình Quốc hội xem xét, ban soạn thảo chương trình không có quyền quyết định.
“Có thành viên trong ban soạn thảo đề xuất tăng thời lượng giờ giáo dục thể chất để học sinh được vận động nhiều… nhưng cân đối thời lượng chương trình, chúng tôi cũng chỉ có thể đưa ra con số tương tự như chương trình hiện hành” – GS Thuyết nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân cho rằng các nội dung dự thảo đề cập rất toàn diện, nếu thực hiện được theo thì sẽ rất tốt.
Tuy nhiên, với thời gian chuẩn bị gấp rút cả về phía chương trình, sách giáo khoa, cả về nguyên nhân chủ quan phía các cơ sở giáo dục khi vẫn là đội ngũ giáo viên đó, vẫn cơ sở vật chất như vậy thì liệu có thể thực hiện tốt chương trình mới khi áp dụng từ năm 2018-2019?
“Đặc biệt là những môn học mang tính tích hợp, nhất là ở các lớp học cấp dưới. Giáo viên sẽ được tập huấn như thế nào? Trước đây đã có những trường hợp vì không đủ giáo viên nên nhà trường phải bố trí giáo viên ngữ văn dạy thêm môn giáo dục công dân.
Nếu không tăng biên chế mà vẫn chỉ ngần ấy giáo viên, nghĩa là mỗi giáo viên sẽ gánh thêm rất nhiều phần kiến thức, nội dung công việc thêm thì có đảm bảo được chất lượng của giờ học như đúng yêu cầu đặt ra? Và cuối cùng, người chịu thiệt nhất vẫn là các em học sinh” – vị hiệu trưởng này bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, ThS. Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng với việc xuất hiện nhiều môn học mới như: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Cuộc sống quanh ta, Thế giới công nghệ… thì việc bố trí giáo viên đang có hay tuyển mới cũng là yêu cầu đặt ra với các trường.