Xã hội

Dự thảo Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải: Một số quy định chưa đủ rõ ràng

Văn Thanh 19/01/2024 18:03

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe không rõ ràng; chưa nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp.

du-thao-nghi-dinh-lien-quan-den-hoat-dong-kinh-doanh-van-tai-mot-so-quy-dinh-chua-du-ro-rang-ddk.png
Ảnh minh họa.

VCCI vừa có văn bản phản ánh ý kiến của doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo VCCI, dự thảo đã bổ sung điểm đ và điểm e khoản 6 Điều 19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP về thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải khi thuộc các trường hợp: "Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và pháp luật khác có liên quan của cơ quan có thẩm quyền (điểm đ). Trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu (điểm e)”.

Phía VCCI cho rằng, việc thu hồi Giấy phép kinh doanh là chế tài tác động rất lớn đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, việc bổ sung hai trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh trên cần được cân nhắc xem xét lại, bởi “việc không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và pháp luật khác có liên quan” là quy định chưa đủ rõ ràng, cụ thể về xác định hành vi vi phạm và phạm vi quá rộng (kiểm tra “pháp luật khác có liên quan”), điều này có thể tạo ra nguy cơ cho các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Ngoài ra, khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được ký hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe (bao gồm cả thuê người lái xe); chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết (điểm a).

Điểm a khoản 3 Điều 2 Dự thảo (phiên bản thẩm định tháng 11/2023) quy định, đơn vị kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 10/2020/NĐ-CP “không được đón, trả khách từ 3 ngày liên tiếp trở lên hoặc từ 10 ngày trở lên trong một tháng tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác”.

VCCI cho biết, các quy định trên, suy đoán nhằm phân biệt giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Tuy nhiên, cách thức thiết kế của quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP cũng như Dự thảo Nghị định sửa đổi chưa phù hợp với bản chất của loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng (khi các bên có thể tự do thỏa thuận về hoạt động vận tải hành khách từ hành trình, điểm đón, số lượng hành khách…) và đã can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các quy định này không phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải: Một số quy định chưa đủ rõ ràng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO