Theo bản Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 lần 2 của Bộ GD&ĐT, thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được xếp thi riêng ở một hoặc một số điểm thi. Thí sinh là học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng được xếp thi riêng khi làm bài thi môn Khoa học xã hội.
Ảnh minh họa.
Dự thảo cũng quy định mỗi Hội đồng thi có một mã riêng và được thống nhất trên toàn quốc. Ở mỗi Hội đồng thi việc lập danh sách thí sinh dự thi cho từng điểm thi được thực hiện theo cách: Lập danh sách tất cả thí sinh dự thi tại điểm thi theo thứ tự A, B,C… của tên thí sinh để đánh số báo danh. Hoặc lập danh sách thí sinh theo thứ tự A,B,C của tên thí sinh theo từng bài thi hoặc môn thành phần của bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội để xếp phòng thi.
Mỗi thí sinh sẽ có một số báo danh duy nhất. Dự kiến số báo danh của thí sinh có 6 chữ số, trong đó ba số đầu là số thứ tự của địa điểm thi, các số tiếp theo được đánh tăng dần đến hết số thí sinh tại điểm thi đảm bảo không có số báo danh trùng nhau.
Dự kiến phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng vẫn duy trì tối đa 24 thí sinh. Trong phòng thi hai thí sinh ngồi cách nhau tối thiểu là 1,2m theo chiều ngang của bàn.
Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT sẽ được xếp thi riêng ở một hoặc một số điểm thi. Thí sinh là học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên cũng được xếp thi riêng khi làm bài thi môn Khoa học xã hội.
Theo một chuyên gia giáo dục, việc Bộ GD&ĐT dự kiến xếp thí sinh hệ Giáo dục Thường xuyên ở phòng thi riêng khi dự thi bài thi Khoa học Xã hội là điểm mới trong Dự thảo. Với cách làm như năm nay, về mặt bằng công nhận tốt nghiệp là giống nhau, điều đó thuận lợi cho các em. Nhưng nếu nhìn từ góc độ nhà trường và học sinh, phụ huynh có thể sẽ thấy trong cách nhìn nhận, đánh giá chủ quan có sự khác biệt giữa Giáo dục Thường xuyên và Giáo dục phổ thông hệ chính quy.
Giải thích về thay đổi này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, việc tách thí sinh là để phù hợp với những thay đổi trong phương án thi mới, giảm sự bất lợi cho TS khi tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, trong phương án thi mới, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ có 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, căn cứ để xét tốt nghiệp là 4 bài thi (3 bài thi độc lập và 1 bài thi tổ hợp). Như vậy, đối với những TS là học sinh lớp 12 sẽ phải làm tối thiểu 4 bài thi. Ngược lại, thí sinh tự do chỉ cần làm những môn thi mình chọn để lấy điểm xét tuyển vào đại học (ĐH). Với thay đổi này, nếu để chung các nhóm đối tượng thi khác nhau trong 1 phòng thi sẽ dẫn đến hiện tượng: TS tự do hoàn thành môn thi trước phải ngồi đợi một thời gian rất dài mới được ra khỏi phòng thi hoặc phải chờ đợi đến thời gian thi môn của mình. Điều này ảnh hưởng đến trật tự phòng thi và tâm lý của những thí sinh khác.
Với việc tách riêng thí sinh tự do, Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi sẽ được in thành 3 phần tách rời nhau. Mỗi phần là một môn thi, thời gian làm bài 50 phút. Thí sinh tự do chỉ cần hoàn thành bài thi trong khoảng thời gian quy định. Hết thời gian cho từng phần, giám thị sẽ thu lại giấy nháp và đề thi của từng TS thi môn đó, rồi chuyển sang môn thi khác. Trường hợp thí sinh chỉ thi một môn, sau khi hoàn thành bài thi, thí sinh có thể ra khỏi phòng thi để sang khu vực chờ hoặc rời khỏi hội đồng thi để ra về. Điều này tránh ảnh hưởng đến những thí sinh phải làm cả tổ hợp 3 bài thi trong thời gian 150 phút.
Đồng tình với Dự thảo, ThS Phạm Thái Sơn (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM) cho rằng, nên tổ chức một hội đồng riêng cho thí sinh tự do và gom về một điểm ở mỗi địa phương, bởi lẽ số lượng thí sinh này không nhiều, nếu tổ chức ở nhiều điểm sẽ gây tốn kém và phức tạp.
Theo Dự thảo, thí sinh dù được xếp thi riêng cũng không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài môn trắc nghiệm. Đối với môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài và phải nộp bài kèm đề thi, giấy nháp.
Nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi, có thể trình Bộ trưởng GD&ĐT quyết định một trong các hình thức: Đình chỉ tạm thời hoạt động thi hoặc tổ chức thi lại trong Hội đồng thi hoặc trong cả nước; đình chỉ hoạt động, xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo Hội đồng thi và thành viên của Hội đồng thi mắc sai phạm; đề xuất Bộ trưởng GD&ĐT thành lập Hội đồng chấm thẩm định, các đoàn thanh tra.