Với phần đông khán giả Việt Nam, không phải ai cũng có cơ hội để tiệm cận những “thánh đường” của âm nhạc hàn lâm. Nhưng với việc loại hình âm nhạc này được đưa xuống phố, đã và đang tạo nhiều cơ hội để công chúng tiếp cận gần hơn với âm nhạc hàn lâm.
Thay đổi tư duy
Sau một thời gian chuẩn bị, mới đây tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Dàn nhạc Giao hưởng trẻ Việt Nam - Vietnam Youth Orchestra (VYO) đã chính thức ra mắt với chương trình Hòa nhạc mang tên “VYO Grand Concert”. Đây là dàn nhạc trẻ với 79 thành viên từ 12 đến 22 tuổi - những người trẻ đầy đam mê, đến từ nhiều trường học, nhiều ngành nghề, nhiều quốc tịch khác nhau, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng tài năng Phan Đỗ Phúc. Song hành cùng sứ mệnh trở thành đại sứ trẻ của âm nhạc cổ điển, dàn nhạc VYO sẽ đem đến cho khán giả những cơ hội tuyệt vời để trải nghiệm âm nhạc cổ điển cùng các hoạt động khám phá thú vị trong mỗi buổi hòa nhạc, từ đó làm giàu trải nghiệm văn hóa cho người dân, đánh dấu những lần gặp gỡ đầy cảm hứng giữa cộng đồng và âm nhạc hàn lâm.
Theo nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc, cốt lõi của âm nhạc là sự sẻ chia. Một khi bản thân thấy được cái đẹp và giá trị cao quý của âm nhạc, việc mong muốn chia sẻ những điều tốt đẹp đó tới nhiều người là một hệ quả tự nhiên. “Sau quá trình tập luyện nghiêm túc, tôi cùng tất cả các thành viên VYO đều muốn mang những giai điệu đẹp, những điệu nhảy đầy xúc cảm, những năng lượng tích cực đến với đông đảo cộng đồng” – Phan Đỗ Phúc cho hay. Cũng theo nhạc trưởng, hoạt động của VYO nằm trong một hợp tác chiến lược cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam để mang tới những không gian âm nhạc cởi mở, thân thiện với tất cả mọi người không phân biệt độ tuổi, giới tính, trình độ, đóng góp tích cực vào chiến lược văn hóa đối ngoại quốc gia trong thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều này sẽ phát triển rộng hơn nữa thông qua những buổi hòa nhạc tại các địa điểm công cộng. “Tôi nghĩ công chúng sẽ được truyền cảm hứng để quan tâm đến âm nhạc cổ điển. Điều này rất tuyệt vời khi khoảng cách giữa những người biểu diễn và khán giá được kéo lại gần hơn, cách thưởng thức âm nhạc nhờ đó cũng đa dạng và sâu sắc hơn” – vị nhạc trưởng bày tỏ.
Lan tỏa
Trước kia không ít khán giả cho rằng nhạc hàn lâm mang tính bác học và khó hiểu. Điều này đã phần nào “đẩy” công chúng, nhất là người trẻ dần rời xa dòng nhạc hàn lâm. Bởi xét trên mặt bằng âm nhạc Việt Nam nói chung, âm nhạc hàn lâm đang ở thế lép vế hơn hẳn so với âm nhạc đại chúng. Điều đó thể hiện ở việc, những liveshow âm nhạc giải trí được tổ chức thường cháy vé thì những buổi hòa nhạc thính phòng hầu như không được công chúng biết đến và chỉ có cơ hội diễn ra trong những dịp kỷ niệm đặc biệt.
Để góp phần xóa bỏ định kiến của công chúng với âm nhạc hàn lâm, thời gian qua không ít chương trình, dự án âm nhạc hàn lâm đã được tổ chức vượt ra khỏi không gian các nhà hát, đến với những sân khấu mở, với các hình thức hấp dẫn nhằm kết nối âm nhạc với cộng đồng.
Mới đây, trong khuôn khổ Trại hè âm nhạc Slide on Strings 2022 diễn ra tại Không gian sáng tạo nghệ thuật Phố Bên Đồi Creative Studio (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) một chuỗi dự án âm nhạc với các lớp học chuyên sâu, workshop và hòa nhạc đã được tổ chức. Với tinh thần “Hãy để âm nhạc vượt qua mọi ranh giới”, những người thực hiện đã tạo ra một không gian sinh hoạt âm nhạc phổ biến, không chỉ dành cho người chơi nhạc giao lưu, học hỏi, cải thiện kỹ năng mà còn là nơi khán giả có thể kết nối.
Trước đó, vào đầu tháng 6, Trại hè Âm nhạc 2022 lần đầu tiên được Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức tại Nha Trang và Cam Ranh (Khánh Hòa). Với quy mô lớn và chuyên nghiệp, các hoạt động âm nhạc diễn ra hoàn toàn miễn phí đã giúp đông đảo người dân, khán giả quan tâm, khách du lịch và các học sinh, sinh viên của các trường Đại học tại địa phương có thể đến tham gia, giao lưu trải nghiệm, làm quen với âm nhạc và các nhạc cụ.
Cùng chung sức giúp khán giả được thưởng thức âm nhạc hàn lâm theo một cách thức mới mẻ, đầy sinh động, tháng 7 vừa qua, dự án hòa nhạc giáo dục “Classical Wonderland” đã được Vietnam Youth Music Institute (VYMI) hợp tác cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức. Dự án tìm kiếm những nghệ sĩ từ các trường chuyên nghiệp hay không chuyên, có thể truyền đi tình yêu với âm nhạc cổ điển; tổ chức hòa nhạc; cung cấp học liệu và dạy thưởng thức âm nhạc cho cộng đồng để mọi người có thể nghe nhạc, hiểu tác phẩm... Theo Giám đốc điều hành VYMI - Nghệ sĩ Trang Trịnh, âm nhạc hướng tới cộng đồng đang có sự thay đổi và cộng hưởng của nhiều thế hệ đi trước tạo nền móng, nay có các thế hệ trẻ tiếp xúc với cách làm mới ở nước ngoài, có cơ hội làm các dự án âm nhạc mới. Đây là dự báo cho sự phát triển, tiếp nối, sáng tạo của thế hệ nghệ sĩ trẻ. Nhiều người từng đặt câu hỏi: Làm thế nào để nghe nhạc hàn lâm, tìm hiểu từ đâu? Điều này đã được nhiều nghệ sĩ chú ý và có các hoạt động đưa âm nhạc đến gần khán giả hơn. “Tôi tin rằng, khi khán giả được biết, được tìm hiểu, tình yêu nhạc hàn lâm sẽ như một mầm cây được gieo vào trái tim mỗi người” - nghệ sĩ Trang Trịnh bày tỏ.
Thực tế cho thấy, để phá bỏ quan niệm cũ về âm nhạc hàn lâm, rất cần sự chung tay của những người có tâm, có tầm. Đáng mừng là số lượng biểu diễn các buổi hòa nhạc cổ điển đã tăng lên trong thời gian gần đây, trong đó có nhiều chương trình âm nhạc hàn lâm đã tiếp cận cộng đồng ở các buổi biểu diễn công cộng, thu hút sự theo dõi, hưởng ứng của đông đảo khán giả. Những điều này đang mang đến nhiều hy vọng cho âm nhạc hàn lâm nước nhà. Tìm vị trí xứng đáng cho dòng nhạc này cũng chính là cách để âm nhạc Việt Nam có thể vươn cao, vươn xa, từ đó khẳng định vị thế trong dòng chảy âm nhạc thế giới.