Văn hóa

Đưa di sản trở lại đời sống hiện đại

Phạm Sỹ 10/07/2025 09:45

Hà Nội đang từng bước chuyển hóa giá trị của kho tàng di sản nghìn năm thành động lực phát triển bền vững. Thành phố không chỉ chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn tích cực khai thác tiềm năng sáng tạo để định hình hình ảnh một Thủ đô hiện đại, năng động, giàu bản sắc…

Bai chinh Disanthudo1
Trình diễn trống hội Thăng Long kết hợp múa cờ, múa rồng, múa lân đặc sắc trên phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm quảng bá di sản văn hóa Thủ đô. Ảnh: T.L.

Sáng tạo từ chiều sâu di sản

Sở hữu hơn 5.900 di tích được xếp hạng, trong đó có Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, hơn 1.700 lễ hội truyền thống cùng các làng nghề thủ công nổi tiếng như Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm..., Thủ đô đang nắm giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú và sống động. Đây không chỉ là cội nguồn hình thành bản sắc, mà còn là “nguyên liệu đầu vào” quan trọng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Chính chiều sâu văn hóa truyền thống và hệ sinh thái di sản là lợi thế cạnh tranh nổi bật của Hà Nội trên bản đồ công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, để di sản thực sự phát huy giá trị trong thời đại mới, cần có tư duy khai thác sáng tạo, chuyển hóa di sản thành sản phẩm văn hóa có giá trị kinh tế.

Những năm gần đây, thành phố đã có nhiều nỗ lực đưa di sản trở lại đời sống hiện đại. Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm trở thành sân khấu biểu diễn nghệ thuật truyền thống như chèo, xẩm, ca trù, múa rối nước…, tạo nên không khí nghệ thuật đậm chất dân gian giữa lòng đô thị.

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là điểm đến văn hóa - lịch sử, mà còn là nơi tổ chức các triển lãm mỹ thuật, trình diễn thư pháp, nghệ thuật đương đại, âm thanh thị giác…, cho thấy một tư duy “sống hóa” di sản, đưa giá trị truyền thống tương tác trực tiếp với đời sống đương đại.

Động lực mới còn đến từ việc Hà Nội gia nhập mạng lưới “Thành phố sáng tạo” do UNESCO công nhận. Nhiều không gian sáng tạo như Complex 01, Ơ kìa Hà Nội… được hồi sinh từ các nhà máy cũ - những “di sản công nghiệp”. Những địa chỉ tưởng chừng lặng lẽ - đã trở thành điểm hẹn của cộng đồng nghệ sĩ, startup sáng tạo và người trẻ đam mê đổi mới.

GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, Hà Nội có 4 tiềm năng mà ít địa phương có được, đó là: di sản cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa lịch sử, di sản các công trình kiến trúc, di sản văn hóa dân gian. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có các làng nghề, nghề thủ công, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, tri thức dân gian, dân ca, văn hóa dân gian, ẩm thực, trò chơi dân gian… Đây là nhóm di sản phong phú, đa dạng, tiềm năng nhất cho việc phát triển văn hóa dựa trên di sản văn hóa phi vật thể.

Bai chinh Disanthudo3
Không gian sáng tạo Complex1 giữa lòng Thủ đô được xây dựng trên nền xưởng in cũ. Ảnh: P. Sỹ.

Bảo tồn không chỉ là phục dựng

Việc chuyển từ tư duy “bảo tồn tĩnh” sang “bảo tồn gắn với phát triển” là bước ngoặt lớn trong chính sách văn hóa của Thủ đô. Triển lãm “Sống mãi với Thăng Long” tại Hoàng thành Thăng Long sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR), trình chiếu 3D, hiệu ứng âm thanh để tái hiện sinh động lịch sử triều đại Lý - Trần. Hay như dự án “Văn Miếu 4.0” giúp du khách tự do khám phá di sản bằng điện thoại thông minh.

Đây chính là cách mà Hà Nội đang làm mới di sản bằng công nghệ và tư duy sáng tạo.

Theo các chuyên gia văn hóa, bảo tồn hôm nay không chỉ là phục dựng mà còn là tạo môi trường để di sản “sống tiếp” thông qua sản phẩm văn hóa, sự kiện, tương tác số và du lịch trải nghiệm. Từ đó, các đơn vị sáng tạo nội dung, công nghệ văn hóa có cơ hội mở rộng hoạt động.

Tuy nhiên, hiện không gian sáng tạo còn manh mún, thiếu kết nối vùng; hạ tầng kỹ thuật ở nhiều di tích xuống cấp; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đủ; khung pháp lý cho doanh nghiệp văn hóa còn bất cập.

Theo định hướng của của TP Hà Nội, các lĩnh vực được ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa gồm: du lịch văn hóa, quảng bá di sản, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế sáng tạo, thủ công mỹ nghệ… Trong đó, mỗi lĩnh vực đều có thể bắt nguồn từ chất liệu văn hóa Thăng Long.

ThS. Nguyễn Đắc Tới - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu di sản (Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển) cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa từ di sản Thăng Long không chỉ là hướng đi kinh tế, mà còn là cách giữ gìn và truyền tải những giá trị văn hóa nghìn năm cho thế hệ mai sau. Di sản không thể chỉ nằm yên trong bảo tàng, mà cần được kể lại bằng ngôn ngữ của thời đại - thông qua công nghệ, sáng tạo và sản phẩm văn hóa có sức sống lâu dài.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần một tầm nhìn dài hạn và chiến lược bài bản. Quan trọng hơn, đây là hành trình không thể đơn độc. Sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, giới chuyên gia, doanh nghiệp sáng tạo và cộng đồng là điều kiện tiên quyết để di sản thực sự “sống” trong đời sống đương đại, trở thành nền tảng bền vững cho công nghiệp văn hóa Thủ đô.

GS. TS Lê Hồng Lý cho rằng, Hà Nội cần đầu tư, phát hiện để biến tiềm năng di sản văn hóa thành sản phẩm văn hóa phục vụ đời sống và đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân Thủ đô cũng như khách du lịch. Quá trình thực hiện cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia để họ khai thác và đầu tư vào di sản, để nó trở thành điểm sáng, cơ sở du lịch có tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Cùng quan điểm, ThS. Nguyễn Thị Anh Hoa - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, thành phố cần xác lập một chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên di sản văn hóa một cách toàn diện và bền vững. Định hướng phát triển cần gắn khai thác di sản với việc xây dựng bản sắc văn hóa đô thị. Trong đó mỗi loại hình di sản phải được định vị rõ vai trò trong chuỗi giá trị văn hóa. Các không gian di sản cần được chuyển hóa thành các trung tâm sáng tạo, không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn của cộng đồng và du khách.

Hà Nội hiện có gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, nhiều loại hình từng mai một đang được khôi phục và phát huy giá trị thông qua sự vào cuộc của cộng đồng và chính quyền các cấp. Tiêu biểu như hát chèo tàu Tân Hội, hát Dô, tiếng lóng Đa Chất… Gắn với mỗi di sản là những câu lạc bộ, lớp truyền dạy, không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu hút nhiều người tham gia. 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa di sản trở lại đời sống hiện đại