Thời gian qua, hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại được TP Hà Nội tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, kết nối sản phẩm nội địa với người tiêu dùng.
Nỗ lực quảng bá sản phẩm làng nghề
Theo thống kê qua 5 năm thực hiện, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ tại Hà Nội, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hoá gắn với liên kết chuỗi của các địa phương, từ đó hình thành nhiều vùng sản xuất.
Hiện có 29/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được trên 2.769 sản phẩm OCOP. Trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 12 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 1.485 sản phẩm đạt 4 sao và 1.266 sản phẩm đạt 3 sao.
Về các sản phẩm làng nghề, thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hà Nội cũng cho biết, thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 334 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã. Mỗi làng nghề ở Hà Nội đều có thế mạnh riêng, tạo ra những sản phẩm vừa thân thiện với môi trường, vừa đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cũng như đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức hội chợ “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; Festival nông sản, sản phẩm làng nghề…Thông qua những hoạt động này đã góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề. Rất nhiều doanh nghiệp đã tìm được đối tác từ hội chợ, Festival để đưa sản phẩm của mình xuất khẩu ra thị trường thế giới. Diễn ra trong 5 ngày, Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội tổ chức (từ ngày 27 đến 31/12/2024) đã thu hút hàng nghìn người dân tham quan và mua sắm.
Ông Lê Tự Lực - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội cho biết, sự kiện được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Theo ông Lực, Festival năm nay quy tụ khoảng 120 gian hàng từ 130 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và các chủ thể OCOP, giới thiệu hơn 1.000 dòng sản phẩm đa dạng. Đây là sự hội tụ của các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP tiêu biểu, cùng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống đến từ Hà Nội và 22 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong các ngày diễn ra Festival, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức làm phong phú thêm trải nghiệm mua sắm của khách hàng.
Cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP
Trước đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội cũng tổ chức nhiều Festival nông sản, sản phẩm làng nghề Hà Nội tại các quận, huyện nội và ngoại thành Hà Nội với sự tham gia hàng trăm đơn vị, DN của thành phố cũng như của các tỉnh, thành phố.
Theo đơn vị này, thời gian vừa qua Trung tâm đã liên tục tổ chức hội chợ, Festival nông sản, sản phẩm làng nghề. Những sự kiện này đã thu hút hàng trăm DN Hà Nội và các tỉnh thành trưng bầy, giới thiệu hàng nghìn sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, đặc sản tiêu biểu đặc trưng của địa phương.
Theo đánh giá, chương trình Festival nông sản và sản phẩm làng nghề Hà Nội đã tạo cơ hội cho DN kết nối hàng Việt với người tiêu dùng.
Thường xuyên tham gia các sự kiện hội chợ, tuần hàng do Hà Nội tổ chức, chị Nguyễn Thị Dần, thành viên HXT nông sản Tân Việt Á (tỉnh Cao Bằng) đánh giá, việc tham gia chương trình không chỉ giúp HTX trực tiếp đưa các sản phẩm nông sản của mình đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô mà còn là phương thức quảng bá, giới thiệu hiệu quả. Thông qua việc tham gia chương trình, HTX đã có được thêm nhiều đối tác, đại lý, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt có những đối tác đã xuất khẩu miến dong Cao Bằng ra thị trường quốc tế.
Tương tự, mang đến phiên chợ những đặc sản đặc trưng của tỉnh Bắc Giang như: Hoa quả Lục Ngạn, bưởi, cam, bánh tro và các sản phẩm như trà sâm, miến sâm và các sản phẩm dầu gội đầu thảo mộc từ sâm… chị Nguyễn Thị Xuân Mừng - Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Sâm Việt Nam cho biết, sau mỗi lần tham gia hội chợ, phiên chợ tại Hà Nội, sản phẩm của công ty ngày càng được người tiêu dùng biết đến. Nhờ đó mà công ty mở rộng được thị trường phân phối thông qua việc ký kết hợp tác với các đối tác, bạn hàng.
Cùng với tổ chức các hội chợ, Festival, thời gian qua, Hà Nội đã có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ DN, nhà sản xuất. Theo đó, Hà Nội thường xuyên tiến hành rà soát danh mục sản phẩm OCOP cần kết nối vào các kênh phân phối (siêu thị, chuỗi thực phẩm, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu của Hà Nội) gửi Sở NNPTNT; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cung cấp thông tin đến các DN trong hệ thống phân phối để tổ chức kết nối, tiêu thụ theo nhu cầu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP như triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, trưng bày, kết nối trên các sàn giao dịch thương mại điện tử... cho các sản phẩm OCOP.