Kinh tế

Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: Còn nhiều thách thức

Khanh Lê 12/05/2025 07:22

Mặc dù ngành nông nghiệp và môi trường đang sở hữu một lực lượng hơn 11.400 nhà khoa học, nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Thực tế này cho thấy, cần phải có chính sách thu hút nhân tài và khối tư nhân vào nghiên cứu khoa học công nghệ, làm nền tảng để kiến tạo đột phá cho ngành nông nghiệp và môi trường trong kỷ nguyên mới.

tren.jpg
Mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất, giảm dịch bệnh tại Quảng Ninh. Ảnh: Chu Khôi.

Thiếu chính sách thu hút đổi mới khoa học

Thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số như các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh, giám sát môi trường tự động, số hóa dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu “đột phá phát triển” theo tinh thần Nghị quyết số 57 -NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong nông nghiệp và môi trường, ngành vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đề cập về những thách thức trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, TS Nguyễn Văn Long - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, mặc dù ngành đang sở hữu một lực lượng hơn 11.400 nhà khoa học, nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu các chính sách trọng dụng cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Theo ông Long, trong tổng kinh phí dành cho khoa học công nghệ, chi trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học chỉ chiếm khoảng 46%, phần còn lại dồn vào duy trì bộ máy, lương thưởng, hành chính. Điều này đã triệt tiêu phần lớn khả năng tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có giá trị thương mại hoặc ứng dụng thực tiễn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu các chính sách trọng dụng cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Ở cấp địa phương, ngân sách chi cho khoa học, công nghệ có thể lên tới 2% tổng chi phí, nhưng lại thiếu đội ngũ nhân lực thực hiện. Trong khi đó, ở cấp trung ương, nơi tập trung nhiều nhà khoa học đầu ngành, thì lại thiếu kinh phí để triển khai nghiên cứu. Cách đầu tư theo kiểu dàn trải theo giai đoạn, khiến nhiều nơi có thiết bị nhưng không có người vận hành; có phòng thí nghiệm nhưng lại thiếu kinh phí để duy trì.

Một rào cản lớn nữa chính là thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài. Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học mất tới 5-6 năm từ khi đề xuất đến khi được phê duyệt và triển khai, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp thực tế.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Xuất phát từ thực tế, các chuyên gia nhận định, khoa học công nghệ và chuyển đổi số là nền tảng để kiến tạo đột phá cho ngành trong kỷ nguyên mới. Chính vì vậy, cần phải sớm có chính sách tháo gỡ thu hút doanh nghiệp, nhà khoa học, cá nhân tham gia vào đổi mới khoa học.

Để tháo gỡ khó khăn, đưa Nghị quyết 57-NQ/TƯ vào thực tiễn, Cục trưởng Cục Chuyển đổi số (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Phú Hà cho rằng, chuyển đổi số ngành nông nghiệp và môi trường hướng đến 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong ngành dự kiến đạt từ 20-30%, thông qua việc số hóa tài nguyên, dữ liệu và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành.

Ngành cũng xác định một số giải pháp đột phá, như: Hoàn thiện thể chế pháp luật về chuyển đổi số, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và ứng dụng các công nghệ chiến lược, như Big Data, AI, IoT trong nghiệp vụ; xây dựng chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số - yếu tố then chốt quyết định sự thành công...

TS Nguyễn Văn Điệp - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AVAC, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, giao thêm nhiệm vụ khoa học công nghệ cho doanh nghiệp trong việc phát triển các thế hệ vaccine dịch tả lợn châu Phi mới hiệu quả hơn, phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất.

Còn theo TS Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, các bộ, ngành tăng cường đặt hàng nghiên cứu, sử dụng hiệu quả kết quả khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực phát sinh từ thực tiễn như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, khoa học, công nghệ là khâu đột phá, vì vậy, Bộ sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy đổi mới trong cả khu vực công và tư. Việc huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho khoa học, công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt. Ngoài ra, việc giao nhiệm vụ khoa học sẽ chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu - gắn chặt với thực tiễn sản xuất, hướng đến thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp: Còn nhiều thách thức