Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững”. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, cần xóa bỏ định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân.
Theo ông Thịnh, để đổi mới mô hình tăng trưởng, trước tiên cần thay đổi cách thức sử dụng các nguồn lực trong xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc lại toàn bộ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là bài toán đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền.
Muốn vậy phải quan tâm đến việc xây dựng thể chế, vì muốn đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế thì cơ sở pháp lý, luật pháp cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp. Từ đó sẽ tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng phát triển cho các mô hình kinh tế mới.
“Các quy định phải tiến đến sự công khai, minh bạch để các doanh nghiệp được tự do, bình đẳng cạnh tranh và được tôn trọng nhằm sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực xã hội. Khi các doanh nghiệp tăng trưởng phát triển theo chiều hướng tốt nhất lúc đó mới góp phần tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Cho nên việc rà soát, sửa đổi các luật về doanh nghiệp, đầu tư cần được ưu tiên quan tâm. Qua đó tạo điều kiện cho đầu tư, kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân. Cho nên để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thì đầu tiên phải thay đổi hoàn thiện thể chế kinh tế. Đồng thời theo dõi giám sát để việc thực thi, đảm bảo cho các quy định đi vào thực tiễn cuộc sống”, ông Thịnh nói.
Để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, ông Thịnh cho rằng cần quan tâm tới khu vực kinh tế tư nhân, phải xem đây là động lực của đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động. Nghị quyết số 10-NQ/TW, Đại hội XII của Đảng xác định “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Còn văn kiện đại hội XIII đã nêu rõ: “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất. Khuyến khích hình thành phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”. Vì vậy bây giờ phải làm cho nó thành một động lực.
Theo ông Thịnh, “đừng nhìn theo cách cũ” mà phải làm cho kinh tế tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh lên, kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại để sản xuất ra những sản phẩm hoàn chỉnh, tạo ra những dây chuyền sản xuất kinh doanh thuần Việt và những chuỗi giá trị thuần Việt.
Ông Thịnh cũng cho rằng, phải tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, lúc đó mới có đổi mới, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã đề ra từ lâu song việc cổ phần hóa diễn ra chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Việc cổ phần hóa, rút dần vốn nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp sẽ giúp thực hiện theo cơ chế thị trường để quá trình cạnh tranh giữa các doanh nghiệp được bình đẳng, công bằng, đẩy nhanh sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.