Ngày 11/8, tại tỉnh Bạc Liêu, Trung ương hội Nông dân Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức khai mạc Hội thi "Nhà nông đua tài toàn quốc lần thứ V" năm 2022, khu vực IV.
Hội thi Nhà nông đua tài được tổ chức 5 năm một lần đã trở thành thương hiệu truyền thống của Hội nông dân Việt Nam. Theo đó, khu vực IV gồm 16 tỉnh, thành phố, chia thành 2 bảng thi đấu. Cụ thể tại bảng G gồm: TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang; bảng H gồm: Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Hội thi năm nay với chủ đề “Nông dân Việt Nam trí tuệ - số hóa - hợp tác - đột phá”, là hoạt động có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân cả nước nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, góp phần xây dựng hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh. Hội thi là sân chơi bổ ích với hình thức “sân khấu hoá” chuyển tải kiến thức xoay quanh chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; công tác hội, kiến thức khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp…
Các đội sẽ thi trong 1 ngày (ngày 11/8) với hình thức cuốn chiếu gồm 4 phần thi. Sau đó sẽ lựa chọn các đội xếp Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích của bảng G và H để thi vòng bán kết và chung kết toàn quốc diễn ra tại TP Long Xuyên của tỉnh An Giang.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thi, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, Hội thi vừa là sân chơi, vừa là nơi tôn vinh những đóng góp to lớn của nông dân trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Năm nay hội thi cũng có sự đổi mới rất lớn về nội dung, cải tiến hình thức tổ chức, đa dạng hoá các hoạt động, nhằm mang đến một sân chơi hoàn toàn mới mẻ, hấp dẫn và hiện đại. Mỗi vòng thi tại Hội thi Nhà nông đua tài lần này sẽ mang một màu sắc riêng gắn với những bản sắc độc đáo, đặc điểm riêng biệt về người nông dân của từng vùng miền.
Ông Phan Thanh Duy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: Qua mỗi lần thi, có thể thấy rõ sự chuyển biến tích cực trong tư duy, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân am hiểu hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây là dịp để cán bộ, hội viên, nông dân giao lưu, học hỏi, trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, tiến bộ kỹ thuật, quản lý và bổ sung các kiến thức phát triển nông nghiệp-nông thôn, góp phần nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cán bộ, hội viên, nông dân phát huy tính năng động, sáng tạo và tư duy đổi mới, thúc đẩy việc áp dụng mạnh mẽ những kinh nghiệm hay, kỹ thuật khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ số trong quản lí các mô hình, hiệu quả vào sản xuất và đời sống từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Hội thi tạo điều kiện đẩy mạnh các phong trào thi đua trong hội viên, nông dân nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, thi đua xây dựng nông thôn mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và các hoạt động phong trào nông dân ngày càng phát triển.