Đưa nông sản Việt vươn xa

Lê Bảo 13/09/2023 09:30

Với mục tiêu quảng bá các sản phẩm OCOP gắn liền với điểm đến du lịch địa phương trên nền tảng số, chiến dịch quảng bá "Xứ sở Sen hồng - Nồng nàn hương - sắc - vị" đã được triển khai với sự phối hợp của Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và TikTok Việt Nam.

Tăng cường quảng bá để đưa sản vật của địa phương lưu thông trên thị trường.

Đây là chương trình tiếp nối định hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT), kinh tế số của địa phương, mang sản phẩm OCOP, nông sản Đồng Tháp đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Chỉ tính riêng tại buổi livestream "Chợ phiên OCOP - Đồng Tháp - Xứ sở Sen hồng" đã thu hút hơn 24 triệu lượt tiếp cận, 563.000 người xem livestream, mang về hơn 556 triệu đồng doanh thu. Các sản phẩm được quảng bá trong buổi livestream đến từ 12 chủ thể tiêu biểu với gần 35 sản phẩm đặc sản các loại như: nước mắm nhĩ Cá Linh, trái cây sấy, bún gạo... Mô hình này được đánh giá là cánh tay nối dài, giúp các đặc sản địa phương trong đó có nông sản đến được với người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước, mở ra cơ hội mới để tiếp cận thị trường quốc tế và tăng doanh thu.

Là một trong những chủ thể có sản phẩm tham gia phiên livestream, đại diện Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp cho biết, công ty đã tham gia sàn TMĐT trên nền tảng TikTok được khoảng 2 tháng, nhưng chưa bán được đơn hàng nào. Hiện tại sau phiên livestream công ty đã bán được hơn 400 đơn hàng cho 3 combo sản phẩm.

Chị Kim Diệu, đại diện Công ty TNHH MTV Dì Mười Food với sản phẩm Nước mắm Cá Linh chia sẻ: Thông qua phiên chợ, chúng tôi nhận ra được rất nhiều điều về việc làm thế nào để có một phiên livestream thành công và mang lại doanh thu cho doanh nghiệp (DN).

Cũng áp dụng bán hàng bằng hình thức livestream, mới đây huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã mời nghệ sĩ Quang Tèo cùng các streamer tổ chức livestream trực tuyến để bán na và đấu giá na, buổi livestream đã thu hút hàng triệu lượt xem.

Sau 3 phiên đấu giá trên sàn TMĐT, 8 quả na đã được đặt mua với tổng số tiền 770 triệu đồng. Trong đó, quả na được chốt giá thấp nhất là 20 triệu đồng và giá cao nhất lên tới 220 triệu đồng.

Hỗ trợ giúp người dân làm chủ “cuộc chơi”

Chuyển đổi trong ngành nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân. Trước đó, họ phải bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tiếp cận thị trường và tìm kiếm khách hàng. Nhưng giờ đây, nhờ vào các sàn TMĐT, người dân đã có thể dễ dàng giới thiệu và quảng cáo sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua các video trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok.

Kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, hiện tại đã có tổng cộng 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn, số giao dịch qua các sàn TMĐT đạt gần 1 triệu giao dịch, với tổng giá trị đạt 217,1 tỷ đồng. Giá trị 1 giao dịch/sản phẩm khoảng 220.000 đồng/giao dịch/sản phẩm. Điển hình phải kể đến Bắc Giang, thủ phủ của vải thiều. Vải thiều Bắc Giang năm nay ước đạt sản lượng 180.000 tấn.

Mặc dù vậy, trong quá trình đưa sản phẩm nông sản lên các sàn TMĐT, nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn, nhất là trong việc triển khai đào tạo, nâng cao kỹ năng số cho người dân. Bởi đa số các đối tượng đào tạo là nông dân, trình độ công nghệ thông tin hạn chế, do vậy bà con còn gặp nhiều khó khăn trong thao tác, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tế.

Trong bối cảnh hàng nông sản Việt Nam vẫn còn được mùa mất giá và ngược lại thì việc tận dụng TMĐT phát triển mạnh sẽ giúp người dân đưa sản vật của địa phương lưu thông thị trường trong nước cũng như thâm nhập thị trường thế giới. Hiện nay, hầu hết các DN đều tiếp cận việc tiếp thị thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok... Có 50% DN đã tìm hiểu về thương mại điện tử và nhiều DN trong số đó đã sử dụng kênh phân phối hàng hóa là các sàn giao dịch điện tử. Do đó, cần có những giải pháp nhằm hỗ trợ người dân trong việc đưa sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT.

Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng nông sản. Điều này đảm bảo rằng sản phẩm được đưa ra thị trường TMĐT đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm. Tiếp đến có chương trình hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ thông tin, ứng dụng thông tin. Thực tế, hiện nay Chính phủ đã có đề án đào tạo và dạy nghề cho nông dân, song chúng ta vẫn thiên về dạy những nghề truyền thống, trong khi đó các khóa đào tạo, hướng dẫn sử dụng các công cụ tiếp thị trực tuyến trên mạng xã hội cũng như đào tạo người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến chưa được phổ biến.

Theo báo cáo về xu hướng xuất khẩu thông qua thương mại điện tử tại Việt Nam do Hãng Amazon vừa công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam dự kiến đạt trên 11 tỷ USD vào năm 2026. Trong đó, hơn 64% doanh số do các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tạo ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa nông sản Việt vươn xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO