Ngày 7/10, Sở Khoa học - Công nghệ Kiên Giang phối hợp cùng Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc.
Muốn thương hiệu nước mắm Phú Quốc có uy tín và vươn xa thì phải thực hiện nghiêm túc quy trình sản xuất.
Hội thảo thu nhận 14 tham luận của nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ chuyên ngành, doanh nghiệp tập trung nêu vấn đề cốt lõi, đề xuất những giải pháp quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc. Đáng chú ý là các tham luận nêu bật kết quả quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc; kinh nghiệm quản lý chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm và quá trình đăng ký ở Châu Âu; đánh giá hiện trạng về quản lý và biện pháp phát triển bền vững chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc; đề xuất rà soát một số nội dung về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với nước mắm; tăng cường công tác quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm; định hướng và quản lý thông tin, truyền thông về sản phẩm truyền thống nước mắm Phú Quốc đến cộng đồng…
Nhiều ý kiến nêu đề xuất, kiến nghị quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc thiết thực trong thời gian tới. Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc, cho biết để nước mắm mang chỉ dẫn địa lý Phú Quốc phát triển bền vững, bà Hồ Kim Liên kiến nghị ngư trường đánh bắt cá cơm Phú Quốc cần được bảo vệ, khôi phục tái tạo nguồn lợi thủy sản này. Nhà nước tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp phối hợp cùng ngư dân trong việc khai thác đánh bắt cá cơm, nhằm chủ động quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào để sản phẩm đầu ra đảm bảo chất lượng sản phẩm nước mắm đạt chỉ dẫn địa lý Phú Quốc.
Sản xuất nước mắm phải theo truyền thống với nguyên liệu cá cơm và muối đúng tỷ lệ quy định trong điều kiện tự nhiên, khí hậu trên đảo Phú Quốc; quy trình sản xuất từ khâu đánh bắt đến việc ủ chượp cá trong những thùng gỗ chứa từ 12 - 15 tấn/thùng, thời gian 10 - 12 tháng; không được cho thêm chất xúc tác để rút ngắn thời gian ủ chượp…
Nước mắm Phú Quốc hình thành và phát triển hơn 200 năm qua đã trở thành sản phẩm truyền thống của Phú Quốc - Kiên Giang, nhưng thời kỳ phát triển mạnh mẽ, hưng thịnh từ năm 1945 đến nay. Năm 2001, nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên được đăng bạ ở Việt Nam và được Cục Sở hữu công nghiệp công nhận tên gọi xuất xứ hàng hóa “Phú Quốc” tháng 6-2001. Đến năm 2006, nước mắm Phú Quốc được dự án MUTRAP hỗ trợ đăng bạ chỉ dẫn địa lý tại châu Âu. Tháng 7-2013, Liên minh châu Âu (EU) công nhận nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đạt chỉ dẫn địa lý.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang, cho biết nước mắm Phú Quốc hằng năm cung ứng cho thị trường hơn 30 triệu lít, doanh thu khoảng 600 tỷ đồng. Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Kiên Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc cho 75 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nước mắm Phú Quốc đủ điều kiện.