Tinh hoa Việt

Đưa quá khứ tới tương lai

NGUYỄN QUỲNH TRANG (thực hiện) 01/01/2024 08:16

PGS.TS Trần Trọng Dương được biết đến như một nhà nghiên cứu lịch sử và các biểu tượng văn hóa cổ, mê đắm trên hành trình đánh thức di sản chữ Nôm và văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Anh cũng là người sáng lập và đứng đầu của Sen Heritage, đã chủ trì các dự án nghiên cứu và phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý, Tu Di tòa và Tu Di đăng thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), áp dụng công nghệ trải nghiệm nhập vai để "xuyên không" về quá khứ vàng son của kiến trúc Đại Việt thời Lý.

PV: Cơ duyên nào khiến anh hứng thú và tập trung nghiên cứu các công trình kiến trúc thời Lý, trong đó nhấn mạnh vào kiến trúc Phật giáo?

ts-tran-trong-duong(1).jpg
PGS.TS Trần Trọng Dương.

PGS.TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG: Thời Lý là một triều đại có nền văn hóa hàn lâm, tinh mĩ và sang trọng nhất lịch sử Đại Việt. Đó là nhận xét từ nhiều học giả của các lĩnh vực văn học, văn hóa, kiến trúc, mĩ thuật và khảo cổ học. Chỉ tiếc là, các công trình kiến trúc thời Lý, qua bảy, tám trăm năm khói lửa chiến tranh và sự tàn phá của thời gian, đều đã trở thành các phế tích nát vụn. Chúng ta không có hy vọng nào có thể tìm thấy một công trình thời Lý còn nguyên vẹn tồn tại trên mặt đất, mà chỉ còn hàng triệu mảnh vụn cấu kiện và gạch ngói nằm rải rác trong các hố khảo cổ.

Việc tái lập lại văn minh, kiến trúc, phong cách nghệ thuật, văn hóa thời Lý đã trở thành niềm khắc khoải của nhiều thế hệ người Việt. Nghiên cứu, khảo tả về văn hóa thời Lý (bằng các bài báo, luận văn, luận án, chuyên luận…) thì cũng đã có, nhưng để phục dựng hay phỏng dựng lại kiến trúc thành hình ảnh, thì cần những nỗ lực liên ngành, từ khảo cổ, văn hóa cho đến lịch sử Phật giáo và kiến trúc.

GS Chu Quang Trứ từng nhận định rằng: “Mĩ thuật Lý Trần là mĩ thuật Phật giáo”, điều đó hẳn nhiên là không thể chối cãi. Bởi những gì còn sót lại cho đến ngày nay, qua các mảnh vỡ khảo cổ, ta thấy một phong cách nghệ thuật Phật giáo Đại Việt vừa có những nét riêng biệt, lại vừa có những đóng góp ở tầm khu vực.

Từ công trình kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý mà anh đã dành nhiều năm để nghiên cứu, có thể thấy điều đặc biệt là chùa có mô hình của một Mandala, và trung tâm thờ Phật Thích Ca. Anh có thể chia sẻ sâu hơn về những điều này?

- Chùa Một Cột - Diên Hựu là công trình thời Lý duy nhất còn sót lại qua bao biến cố của lịch sử, là biểu tượng của văn hóa Thăng Long và văn hóa Việt Nam, mặc dù kiến trúc hiện tồn là phong cách thời Nguyễn dựng lại năm 1955.

Thời còn sinh viên, tôi đọc một số giáo trình cho rằng kiến trúc Một Cột là một dạng sinh thực khí (linga) dựng trên ao vuông (yoni), là một biểu tượng của văn hóa phồn thực bản địa.

Tôi khi đó đã thấy khiên cưỡng, vì thực khó hình dung rằng, một kiến trúc Phật giáo lại có ý nghĩa biểu tượng “phi Phật giáo” như vậy. Sau đó, năm 2011, thầy Nguyễn Hùng Vĩ cùng tôi đưa sử gia Tạ Chí Đại Trường lần đầu (cũng là lần cuối cùng của ông) đi điền dã ngoài Miền Bắc. Chúng tôi đã dẫn ông lên đến cột đá chùa Dạm ở Bắc Ninh, để chứng minh với ông rằng, cột Dạm cũng như kiến trúc một cột, không phải là một cái “linga vua” (mukha linga) như ông phát biểu.

Ông nhìn lên các lỗ ngàm trên đỉnh chiếc cột nặng mấy chục tấn, mà nói với chúng tôi rằng: “Tôi sẽ về viết một bài để cải chính cho quan điểm quá đà trước đây”.

Khi ấy, tôi về Hà Nội và đọc lại toàn bộ văn bia Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (khắc năm 1121), thì thấy rằng, chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý khác xa so với chùa Một Cột ngày nay. Đó là một Mandala đồng tâm đa tầng, với nhiều cầu bắc qua hai vòng ao từ bốn hướng, và kiến trúc một cột (hay Liên Hoa Đài) chính là ngọn tháp trung tâm của chùa Diên Hựu.

Đây là một Mandala điển hình của Phật giáo thời Lý, mô phỏng chính xác về một tiểu vũ trụ và ngọn núi Tu Di ở trung tâm vũ trụ như nhiều bộ kinh điển Phật giáo đã mô tả. Kiến trúc một cột chỉ là một dạng tháp nhất trụ - mô phỏng ngọn núi Tu Di huyền thoại. Tổng thể mặt bằng chùa Diên Hựu là một Mandala (Mạn đồ la). Mandala là khái niệm cơ bản và quan trọng nhất để hiểu về việc thế giới quan Phật giáo (cũng như Hindu giáo) đã ảnh hưởng như thế nào đến nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc, tượng pháp, hội họa của văn hóa Đông Á và Nam Á.

Sự kiên trì ấy kéo dài hết ngày này qua tháng khác, trên từng cây số, từ các di chỉ khảo cổ học, các viện bảo tàng, các di tích kiến trúc cho đến các nghiên cứu bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp. Một sự nhẫn nại chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu hiểu biết của cá nhân, cho nên, túc tắc cả chục năm trời. Tuy dài, nhưng đó là một quá trình lao động đầy những khám phá thú vị, đó là một chuyến du hành xuyên không bằng cả tri thức và sự mơ mộng của tuổi trẻ.

anh-2-tu-di-dang-phong-cach-thoi-ly(1).jpg
Tu Di đăng, phong cách thời Lý. Nguồn: Sen Heritage.

Cũng từ một trăm bảo tràng kinh (100 cột kinh khắc trên đá) khắc kinh chú Phật Đảnh Tôn Thắng Đà La Ni vào năm 973, được dựng bởi vua Đinh tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình), cùng một số di tích tại các chùa cổ khác, anh có cho rằng bên cạnh Phật giáo Thượng Tọa Bộ, Phật giáo Đại thừa thì Phật giáo Kim Cang thừa đã xuất hiện ở Việt Nam cách đây hơn nghìn năm?

- Cách nay hơn 50 năm, GS Hà Văn Tấn đã có hai bài viết quan trọng về hệ thống các kinh tràng ở Hoa Lư. Đó là những dấu vết quan trọng về sự ảnh hưởng của Mật giáo và kinh Đà La Ni ở Việt Nam vào thế kỷ X. Mở rộng khảo sát, ta còn biết đến các kinh tràng Mật giáo ở núi Vũ Ninh (Bắc Ninh), và các kinh tràng chùa Phổ Minh (Nam Định) vào thế kỷ XIV. Đó là một truyền thống Phật giáo cho thấy các yếu tố Mật giáo đã thịnh hành cùng với Thiền tông và Tịnh Độ tông.

Với việc giải mã chùa Diên Hựu là một Thích Ca Mandala, tôi đã chứng minh rằng chùa Diên Hựu thời Lý cũng là một biểu hiện sống động của Mật giáo đối với tín ngưỡng hoàng gia triều Lý và văn hóa Đại Việt. Nó cho thấy một dòng chảy văn hóa kết nối từ Thăng Long, ngược sông Hồng, lên đến những vùng văn hóa Phật giáo ở Đại Lý (Vân Nam) và xa hơn nữa.

Bên cạnh việc nghiên cứu kiến trúc một cột, nguyên do nào anh làm nghiên cứu Tu Di tòa và Tu Di đăng?

- Tôi đã chứng minh rằng: Cột đá chùa Dạm là một dạng phế tích của kiến trúc một cột thời Lý, đó là một hình thái kiến trúc mô phỏng đồ án Mandala.

Đó là việc hiện thực hóa thế giới quan Phật giáo bằng nghệ thuật kiến trúc. Vậy thì việc đó diễn ra như thế nào trong nghệ thuật điêu khắc? Ngay từ năm 2013, tôi đã chứng minh rằng tượng A Di Đà chùa Phật Tích là một hiện vật tiêu biểu của điêu khắc thời Lý dưới sự ảnh hưởng của kinh điển Phật giáo.

Đó là một kiểu “kinh biến điêu khắc”, trong đó Phật tòa khắc họa đồ án chín núi, tám biển. Kinh Phật mô tả núi Tu Di là ngọn núi trung tâm của một tiểu vũ trụ, bao quanh nó là 8 vòng núi xen kẽ 8 vòng biển theo một cấu trúc đồng tâm đa chiều.

Các bệ tượng Phật đa phần đều mô phỏng cấu trúc này, với các lớp sóng nước núi ở dưới và các lớp cánh sen thiên diệp ở trên. Hơn chục bệ tượng Phật thời Lý hiện tồn đều có motif chung như vậy, đều là các Tu Di tòa dùng để đặt tượng Phật.

Từ kết quả đó, năm 2020, tôi cho rằng, hiện vật long trụ Ngọc Hà (bị gẫy mất phần ngọn) là một phần sót lại của Tu Di tòa thời Lý, nhưng cấu trúc tròn dạng trụ của nó là một kiểu bệ đặc biệt, trên đó có thể đặt một tượng nhỏ Phật Thích Ca Sơ Sinh, hoặc một dạng chân đèn (Tu Di đăng).

Các tái lập, phỏng dựng bằng công nghệ (3D, VR, AR và in 3D) cho thấy cả hai giả thuyết này không hề mâu thuẫn nhau, mà bổ sung cho nhau, nó đồng thời thể hiện những nỗ lực của cá nhân tôi cũng như anh em trong Sen Heritage trong việc “Tái lập văn minh Đại Việt - đưa quá khứ tới tương lai”.

Anh đã thấy những điều gì thú vị và đặc biệt từ đây? Đặc điểm của Tu Di tòa thời Lý? Tu Di tòa theo anh nghiên cứu, tại chùa Phật Tích, đã kết hợp một Mandala vũ trụ ra sao thưa anh?

- Đặc điểm quan trọng nhất của Tu Di tòa thời Lý đó là tính tư tưởng. Có một số người có thể thắc mắc rằng: Sao gọi bệ tượng Phật là Tu Di tòa? Xin thưa: Đây không phải là một khái niệm do tôi ngẫu hứng đặt ra, mà nó là một khái niệm chung của giới nghiên cứu mĩ thuật cổ Phật giáo. Phật tòa là khái niệm chung, còn chi tiết hơn, ta còn có các từ “Sư tử tòa”, “Kim cương tòa”, “Liên tòa”. Phật tòa thời Lý là sự kết hợp giữa “Tu Di tòa” và “Sư tử tòa”, trong đó các đồ án Cửu sơn bát hải khắc ở phía dưới (các thớt đá bát giác), còn Sư tử (một con, hoặc hai con) tạc ở giữa thân của tòa Tu Di, tiêu biểu như các Tu Di tòa tại chùa Phật Tích, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, chùa Thầy, chùa tháp Chương Sơn…

Đặc điểm quan trọng thứ hai của Tu Di tòa thời Lý là tính tinh mĩ, đẹp đến từng mi li mét. Như long trụ Ngọc Hà, các lớp sóng nước núi non được khắc tạc chi tiết kín khắp chân cột, đôi rồng chầu cuốn lập thể từ thân cột lên đến đỉnh cột. Đầu rồng ngậm ngọc và đỡ lấy những cánh sen thiên diệp.

Trong mỗi cánh sen lại tạc đôi rồng dâng hỏa châu. Tôi từng gọi rằng, nghệ thuật Phật giáo thời Lý là nghệ thuật của đức tin. Cái tâm phải an lạc đến mức nào mới có thể an nhiên ngồi tạc tỉ mẩn đến từng vảy đá như vậy.

anh-3-cac-gia-thuyet-tai-lap-tu-di-dang-va-tu-di-toa-thich-ca-so-sinh.jpg
Tháp Một Cột phong cách thời Lý. Nguồn: Sen Heritage.

Anh chia sẻ thêm về những đặc điểm khác nhau giữa Tu Di tòa thời Lý với thời Trần như thế nào?

- Tu Di tòa thời Lý là một biểu hiện tài tình của bàn tay và khối óc của những người thợ tài hoa thời xưa, dù là cung đình hay dân gian. Về mặt ý niệm, mỗi một bệ tượng Phật được tạo tác độc lập theo hình dáng núi Tu Di. Kinh Phật mô tả, núi Tu Di mọc lên giữa biển, cao tám vạn bốn ngàn do tuần, đỉnh nở rộng, đó là một ngọn núi chiết yêu, đỉnh nở rộng như đóa hoa sen.

Núi Tu Di lại nằm ở giữa một tiểu vũ trụ với 8 vòng núi và tám vòng biển vây xung quanh, tiểu vũ trụ này cũng mang hình hoa sen, nên một số bộ kinh gọi một Mandala thế giới bằng khái niệm “nhất hoa nhất thế giới” hay “hoa tàng thế giới”, còn tôi diễn giải nôm na là “hoa sen nở ra hoa sen, hoa sen nở ra thế giới”.

Tu Di tòa thời Lý cơ bản mô phỏng chính xác những gì mà kinh sách mô tả, với các lớp sóng lớp núi dưới chân, ở giữa thót lại như mâm bồng, và đỉnh hoa sen nở ra ngàn cánh.

Các Tu Di tòa thời Lý vì vậy được tạc theo hình tròn, hoặc lục giác, bát giác. Trong khi đó các Phật tòa thời Trần được tạc thành khối hình hộp chữ nhật, trên đó có thể đặt vài ba tượng Phật. Lý thì tinh mĩ, Trần thì khỏe khoắn, mạnh mẽ. Nhưng căn cốt Phật giáo thì vẫn là một.

Từ những nghiên cứu của mình, anh có suy nghĩ gì chung về kiến trúc Phật giáo nói riêng và quá khứ vàng son của kiến trúc Đại Việt thời Lý?

- Ngoài tính tinh mĩ, thì nghệ thuật Phật giáo thời Lý còn nhiều điều để nói. Thứ nhất, với những gì còn sót lại từ các phế tích, ta vẫn có thể nhận định đó là một nền kiến trúc cung đình, lộng lẫy và hùng tráng. Các bước gian của Hoàng thành Thăng Long khá rộng, từ 5 - 7 mét một bước gian. Mặt bằng rộng, nhưng luôn điểm xuyết bởi những lầu gác đua cao lên trời. Điện Thiên An bằng gỗ cao 4 tầng. Đại Thắng Tư Thiên bảo tháp (tháp Báo Thiên) được mô tả như một trụ chống trời dựng lên ở kinh thành.

Các cấu kiện gỗ được sơn son (theo mô tả của văn bia và kết quả xét nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản). Bộ mái đa màu sắc với các lớp ngói màu trắng (kim ngõa), xanh (bích ngõa), đỏ (xích ngõa) và vàng (hoàng ngõa). Ngói ống, ngói mũi sen, ngói lá đề… làm bằng gốm phủ men.

Các họa tiết hoa văn nhấn bằng khuôn, tỉa bằng tay kín từ chân tảng lên đến đỉnh mái. Các tỷ lệ số đo thu được (từ phế tích) đều là chuẩn thức thước đo thời Tống (29,9cm). Kĩ thuật kiến trúc các bộ mái chủ yếu là đấu củng, khiến cho mái vừa cao rộng, vừa vươn xa, vừa uốn cong như cánh chim uyên.

Tất cả các họa tiết ở từng chân hiện vật, từng chân tháp đều nhấn đồ án cửu sơn bát hải, và các đồ án mĩ thuật Phật giáo như lá đề, long nữ hiến châu, với các điêu khắc trang trí Ca Lâu La, Khẩn Na La (thuộc Bát bộ chúng)…

Có thể nói một cách ngắn gọn rằng, nghệ thuật Phật giáo thời Lý là thống nhất về tư tưởng, hàm súc về ngôn ngữ, đa dạng về chất liệu, tinh mĩ ở từng chi tiết, và hùng hồn ở hình thái kiến trúc.

Sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam được thể hiện như thế nào, thưa anh?

- Triều Lý là một chính thể Nho giáo, nhưng đồng thời sử dụng cả các tín ngưỡng của Đạo giáo và Phật giáo. Sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với chính trị triều Lý là điều không thể chối cãi. Sự ảnh hưởng của Phật giáo còn thể hiện ở trong việc trang trí bộ mái của Hoàng thành Thăng Long, tiêu biểu là các ngói ống lá đề, các bộ tượng nhạn trên các bờ dải và nóc mái của kiến trúc cung điện.

Đặc biệt hơn nữa là các nghi lễ hoàng gia luôn dành một vị trí trang trọng cho các khoa nghi Phật giáo, ví dụ: Lễ hội đèn Quảng Chiếu cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, giải trừ tai ách và chiến tranh được thực hiện thường xuyên trong Hoàng thành.

Đó là một lễ hội cúng Dược Sư được thực hiện 7 ngày 7 đêm, do đích thân hoàng đế, hoàng gia, và các quan lại trong triều thực hiện, với ngọn tháp 7 tầng thắp 49 ngọn đèn. Ngọn tháp này có máy móc để có thể quay bằng lực tay, dùng cho việc tụng kinh, cúng Phật và nhiễu tháp.

Còn nhiều lễ hội Phật giáo, và Đạo giáo khác nữa bên cạnh các nghi lễ của Nho giáo (như Lễ Tế giao, Tế xã tắc) và các nghi lễ dân gian đã được triều đình công nhận (như Hội thề ở đền thờ Đồng Cổ).

Tất cả các dấu ấn về văn hóa đó thể hiện một nền chính trị đầy tính nhân văn trong đó các tôn giáo và tín ngưỡng đều cùng tồn tại hòa bình với nhau, để tạo nên một xã hội thịnh vượng và an lạc.

Từ những nghiên cứu của mình, anh có quan tâm đến kiến trúc điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long vừa được công bố? Theo anh, làm thế nào để việc bảo tồn, phục dựng kiến trúc điện Kính Thiên nói riêng và các công trình văn hóa Phật giáo thời Lý nói riêng được chân xác, đúng đắn?

- Tôi có quan tâm và theo dõi việc nghiên cứu Hoàng thành Thăng Long nói chung, cũng như việc phục dựng điện Kính Thiên trong thời gian gần đây của giới khảo cổ học.

Đó là những nỗ lực đáng trân trọng khi các nhà khoa học đã bỏ ra cả chục năm trời để nghiên cứu từ các mảnh vụn khảo cổ, và đưa ra các giả thuyết về hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ.

Dĩ nhiên, do sử liệu còn lại quá ít ỏi, nên trong quá trình tái lập và đưa ra giả thuyết sẽ còn một số điểm cần thảo luận tiếp. Nhưng phải có người làm thì mới có những kết quả để chúng ta tiếp tục suy ngẫm và điều chỉnh. Làm sao có thể đưa ra một giả thuyết chắc chắn đúng với quá khứ đã nát vụn?

Càng không thể yêu cầu các học giả phải đưa ra một kết quả chính xác 100% mà không được có bất kỳ sai sót nào. Đó là những yêu cầu quá khắt khe của những người không thực sự hiểu những câu chuyện “bếp núc” của người làm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu về lịch sử văn hóa.

Việc giáo dục, tuyên truyền về truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam ý nghĩa ra sao vào thời điểm này, thưa anh?

- Giảng dạy văn hóa truyền thống trong nhà trường các cấp hiện nay đang được triển khai trên diện rộng, đặc biệt là môn Giáo dục lịch sử địa phương. Tôi nghĩ đó là chủ trương đúng. Nhưng thời lượng của các môn này thực sự còn một số điểm cần điều chỉnh, ví dụ, nên coi đó là một hợp phần chính thức trong khung chương trình giảng dạy chính thức, đan cài vào nội dung từng môn học (như Lịch sử, Địa lý, Mĩ thuật, Âm nhạc, Văn học…) chứ không nên thực hiện như là một bài giảng bổ sung. Về việc giáo dục, và tuyên truyền, chúng ta cần triển khai trên nhiều lĩnh vực, từ bảo tàng, cho đến du lịch.

Đặc biệt, nên ứng dụng các kết quả nghiên cứu và phục dựng, phỏng dựng kiến trúc, mĩ thuật bằng công nghệ để bài giảng vừa sống động vừa có tính khoa học, đồng thời kích thích tư duy sáng tạo, óc phản biện và gợi mở trí tưởng tượng.

Chỉ có kết hợp nhiều biện pháp, mang tính liên ngành như vậy, thì chúng ta mới có thể “đưa quá khứ, tới tương lai”, biến di sản của cha ông trở thành hành trang cho các thế hệ tương lai.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

PGS.TS Trần Trọng Dương là nhà nghiên cứu Hán học, Hán Nôm học và lịch sử văn hóa cổ truyền Việt Nam, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Anh nhận bằng Tiến sĩ năm 2011, được phong Phó Giáo sư năm 2020, giảng viên sau đại học của Học viện Khoa học Xã hội và Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội). Anh là tác giả của hơn 100 ấn phẩm khoa học trong và ngoài nước, từng tham dự hội thảo, giảng bài tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, và các diễn đàn học thuật trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa quá khứ tới tương lai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO