Chính trị

Đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới

Theo TTXVN 15/05/2025 07:24

Chuyến thăm của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra - chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan đến Việt Nam sau 11 năm - là dịp quan trọng để hai bên đưa mối quan hệ đó tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn.

tt1.png
Trong chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Vientiane (Lào), tối 9/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN).

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 4 Nội các chung Việt Nam-Thái Lan từ ngày 15 đến 16/5/2025.

Đây là chuyến thăm tới Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra kể từ khi bà nhậm chức và là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Thái Lan đến Việt Nam sau 11 năm; đồng thời là Kỳ họp Nội các chung đầu tiên của Thủ tướng hai nước sau 10 năm.

Sự kiện này góp phần củng cố tin cậy chính trị; là dịp để hai bên cùng đánh giá lại tiến trình thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian vừa qua nhằm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất trong kỷ nguyên hợp tác, phát triển sắp tới.

Trong những năm vừa qua, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã được củng cố, phát triển nhanh chóng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực với niềm tin chính trị sâu sắc, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư và an ninh-quốc phòng là những điểm sáng nổi bật.

Quan hệ chính trị-ngoại giao

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á, có nền văn hóa tương đồng và có mối quan hệ hữu nghị lâu đời. Kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 6/8/1976, đến nay quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển nhanh cả về chiều rộng và chiều sâu, thể hiện rõ tinh thần Đối tác Chiến lược Tăng cường Việt Nam-Thái Lan.

Sau khi ký thiết lập quan hệ ngoại giao, tháng 9/1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm chính thức Thái Lan, chuyến thăm này hai bên đã ra thông cáo chung vạch đường hướng, tạo nền tảng cho quan hệ hai nước.

Từ năm 1993 đến nay, vượt qua thử thách của một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, quan hệ hai nước đã nồng ấm trở lại. Hai bên đã nối lại các chuyến thăm cấp cao, đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức Thái Lan của Tổng Bí thư Đỗ Mười (tháng 10/1993) và chuyến thăm của Thái tử Maha Vajiralongkorn (nay là Nhà Vua Rama X) tới Việt Nam (tháng 11/1992). Năm 1995, sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã vượt qua nhiều thách thức, không ngừng được củng cố và ngày càng phát triển, nhất là kể từ khi hai nước ra Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Thái Lan trong thập niên đầu của thế kỷ XXI (tháng 2/2004).

Hai nước duy trì thường xuyên hoạt động tiếp xúc cấp cao, các cơ chế hợp tác song phương hiệu quả, góp phần tăng cường quan hệ hai nước.

Hai nước nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược" vào tháng 6/2013, trở thành hai nước trong khối ASEAN đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhau. Tiếp đó, năm 2015, hai bên nâng quan hệ lên thành “Đối tác Chiến lược Tăng cường” nhằm thúc đẩy sự hợp tác mạnh mẽ và toàn diện hơn nữa.

Từ đó đến nay, quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường giữa hai nước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thực chất, hiệu quả. Thái Lan coi trọng củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp với Việt Nam.

ttxvn-pho-chu-tich-nuoc-vo-thi-anh-xuan-tiep-cong-chua-thai-lan-1405.jpg
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN).

Hợp tác chính trị được đẩy mạnh thông qua trao đổi đoàn cấp cao thăm viếng lẫn nhau và nhiều cơ chế hợp tác mới, thực chất đã được thiết lập sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược tăng cường, như Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác song phương, Đối thoại chính trị, an ninh, quốc phòng, Tham vấn lãnh sự.

Hai nước duy trì thường xuyên hoạt động tiếp xúc cấp cao, các cơ chế hợp tác song phương hiệu quả, góp phần tăng cường quan hệ hai nước. Hợp tác chính trị được đẩy mạnh thông qua trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao.

Về phía Việt Nam, gần đây có các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao với Thái Lan như: Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Thái Lan Sretta Thavisin bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 tại Hoa Kỳ (tháng 9/2023); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dịp bà nhậm chức Thủ tướng thứ 31 của Thái Lan (tháng 8/2024), gặp song phương Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 44, 45 tại Vientiane (Lào) (tháng 10/2024); Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha nhân dịp tham dự Hội nghị Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (AIPA-45) diễn ra tại Lào (tháng 10/2024)...

Về phía Thái Lan, có các chuyến thăm Việt Nam của: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara thăm chính thức Việt Nam (tháng 10/2023); Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn thăm và làm việc tại Việt Nam (tháng 8/2024); Bộ trưởng Ngoại giao Maris Sangiampongsa thăm chính thức Việt Nam và dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ hai (tháng 2/2025)...

Tháng 11/2022, hai bên đã ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027.

Hai bên duy trì cơ chế hợp tác Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao (lần thứ 5 vào 4/2024) và Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (lần thứ 10 vào 9/2024).

Hợp tác kinh tế, thương mại

Về thương mại, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN.

Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2023; trong đó ta xuất khẩu đạt gần 7,8 tỷ USD, tăng 8,3%; nhập khẩu đạt hơn 12,4 tỷ USD, tăng 5,1%.

Thái Lan hiện có 761 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 14,8 tỷ USD, đứng thứ 9/149 quốc gia có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN có đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore).

Trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,1 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó ta xuất khẩu 1,2 tỷ USD (giảm 8%) và nhập khẩu 1,9 tỷ USD (tăng 17,8%).

ttxvn-thu-tuong-thai-lan-tham-viet-nam-3.jpg
ttxvn-thu-tuong-thai-lan-tham-viet-nam-4.jpg
ttxvn-thu-tuong-thai-lan-tham-viet-nam-5.jpg
Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2023. (Ảnh: TTXVN)

Các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn của ta gồm dầu thô; điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử và các loại linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép, nông, thủy sản... Các mặt hàng nhập khẩu có giá trị lớn của ta gồm xăng dầu; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; ôtô nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng ôtô; máy móc, thiết bị và phụ tùng; hàng điện gia dụng và linh kiện; chất dẻo, kim loại, hóa chất...

Về đầu tư, Thái Lan hiện có 761 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 14,8 tỷ USD, đứng thứ 9/149 quốc gia có đầu tư tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN có đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore). Nhà đầu tư Thái Lan đầu tư chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất, điện gió, hóa dầu, kinh doanh bất động sản, bán buôn và bán lẻ.

Trong khi đó, Việt Nam có 18 dự án đầu tư cấp mới sang Thái Lan và 3 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký 34,2 triệu USD, đứng thứ 33/80 quốc gia/vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam. Các dự án chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản và bán buôn bán lẻ.

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy triển khai Chiến lược "Ba Kết nối” trên 3 lĩnh vực: Kết nối chuỗi cung ứng; Kết nối doanh nghiệp và các địa phương hai nước; Kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững.

Hai bên duy trì các cơ chế hợp tác quan trọng gồm Ủy ban hỗn hợp Thương mại (họp lần thứ 4 vào 4/2022) và Diễn đàn Năng lượng (họp lần thứ 2 vào 10/2022).

Hợp tác trong các lĩnh vực khác

Hợp tác quốc phòng-an ninh: Hai bên duy trì hiệu quả các cơ chế song phương (Đối thoại cấp cao về Phòng chống tội phạm và hợp tác an ninh, Đối thoại chính sách quốc phòng); phối hợp chống tội phạm xuyên quốc gia, đào tạo, hợp tác không quân, hải quân; duy trì tuần tra chung trên biển...

Về lao động, hai bên đang thúc đẩy ký mới Thỏa thuận tuyển dụng lao động (ký năm 2015) nhằm bổ sung thêm các ngành nghề dành cho lao động phổ thông của Việt Nam được tiếp nhận sang làm việc tại Thái Lan.

ttxvn-tong-giam-doc-thong-tan-xa-viet-nam-tiep-chu-tich-hoi-dong-bao-chi-quoc-gia-thai-lan-1405.jpg
ttxvn-thuc-day-ngoai-giao-nhan-dan-thai-lan-viet-nam-qua-bong-da-14.jpg
(Ảnh: TTXVN).

Hợp tác du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân phát triển tốt. Năm 2023, có hơn 1.033.000 khách du lịch Việt Nam thăm Thái Lan và gần 490.000 khách Thái Lan đến Việt Nam.

Năm 2024, có hơn 984.000 khách du lịch Việt Nam thăm Thái Lan (đứng thứ 10, sau Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Singapore, Nga và Đài Loan) và hơn 418.000 khách Thái Lan đến Việt Nam (đứng thứ 9, sau Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia và Australia).

Chính phủ Thái Lan đã công nhận địa vị pháp lý của cộng đồng Việt kiều trong cư trú và làm việc. Tại một số địa phương, Việt kiều có vai trò, vị trí và uy tín nhất định trong xã hội.

Thái Lan đang thúc đẩy sáng kiến hợp tác du lịch “Sáu quốc gia, Một điểm đến.” Hiện có 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác/kết nghĩa với các địa phương Thái Lan.

Hợp tác giáo dục-đào tạo: Chính phủ Thái Lan hiện đang hỗ trợ các trường đại học của Việt Nam giảng dạy tiếng Thái, gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội (Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Hà Nội), Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) và Đại học Đà Nẵng. Thái Lan cũng cung cấp nhiều học bổng dài hạn và ngắn hạn để đào tạo tiếng Thái cho sinh viên, giảng viên Việt Nam tại Thái Lan.

Cộng đồng người Việt tại Thái Lan có khoảng hơn 100.000 người, đóng vai trò quan trọng là cầu nối quan trọng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới

Chuyến thăm và công tác tại Việt Nam lần này của Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hoàng gia Thái Lan là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của một Thủ tướng Thái Lan sau 11 năm kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha năm 2014, diễn ra vào thời điểm hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976-2026).

Trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan tiếp tục phát triển tốt đẹp, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, chuyến thăm là dịp quan trọng để hai bên đưa mối quan hệ đó tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng, trong chuyến thăm, hai bên sẽ tiến hành họp Nội các chung lần thứ 4, cơ chế với tên gọi rất đặc biệt thể hiện sự quan tâm cao và quyết tâm chung nhằm phát triển quan hệ song phương.

Dưới sự đồng chủ trì và chỉ đạo trực tiếp của hai Thủ tướng hai nước, hai bên sẽ rà soát, giải quyết những vấn đề đang đặt ra và xác định phương hướng hợp tác trên tất các lĩnh vực.

ttxvn-kieu-bao-viet-nam-o-thai-lan-1205.jpg
Kiều bào vùng Đông Bắc Thái Lan dự lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. (Ảnh: TTXVN phát).
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới