Đưa Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tới khu dân cư

Hải Nhi (thực hiện) 06/06/2017 09:45

Theo ông Nguyễn Đình Thường, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam, để Quỹ Đền ơn đáp nghĩa vận hành sao cho hiệu quả, cần phải tổ chức một cách chặt chẽ, huy động một cách sâu sắc nguồn lực xã hội hóa. Đặc biệt, cần đưa Quỹ xuống từng phường, xã, khu dân cư.

PV: Thưa, ông có thể đánh giá về việc vận hành của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Đình Thường: Về Quỹ Đền ơn đáp nghĩa chúng tôi rất tâm đắc, vì bản chất của Hội là tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và mẹ Việt Nam Anh hùng. Bởi vậy, chúng tôi thấy rằng bất cứ một nghĩa cử nào tri ân được cho gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng thì chúng ta cũng phải làm một cách ráo riết và thực sự hiệu quả.

Thực ra, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã ra đời từ hơn 10 năm qua, nhưng kiểm tra lại, nhìn nhận lại, chúng tôi thấy hiệu quả chưa cao. Đến nay có khoảng 28.000 gia đình trên cả nước được hưởng ưu đã từ Quỹ, trong khi đó nhu cầu lên tới 280.000 gia đình liệt sĩ. Có một thực tế là rất nhiều quỹ được triển khai xuống phường, xã, khu dân cư chúng ta rất tích cực vận động nhưng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa lại chưa thấy. Lẽ ra khu dân cư phải đặc biệt chú trọng Quỹ này. Tôi đồng ý là phân cấp, nhưng từng địa phương phải có trách nhiệm lo cho gia đình liệt sĩ, lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng chứ đừng dựa hoàn toàn vào chính sách Nhà nước như hiện nay.

Theo ông, cần đưa ra giải pháp gì để Quỹ này thu hút được toàn dân tham gia, cũng như hoạt động thực sự có hiệu quả?

- Theo tôi, giải pháp để Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hoạt động hiệu quả rất cần xã hội hóa, phải có kế hoạch tổng thể ở cơ sở, các đoàn thể địa phương. Việc này tôi từng kiến nghị Ban Dân vận Trung ương cần phải tổ chức một cách chặt chẽ, huy động một cách sâu sắc nguồn lực xã hội hóa Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Tôi cũng đã kiến nghị lên UBTƯ MTTQ Việt Nam để hai cơ quan này phối hợp làm sao cho thực sự hiệu quả, tổ chức thực hiện triển khai kết quả huy động thông suốt từ trên xuống dưới.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa là do các địa phương giữ, vì họ sâu sát tình hình. Nhưng Trung ương phải có trách nhiệm chỉ đạo làm sao để huy động được tất cả các đoàn thể xã hội, các tổ chức xã hội, nhất là các đơn vị sản xuất kinh doanh ủng hộ Quỹ. Đồng thời toàn bộ các khu dân cư cũng tham gia ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Ví dụ mỗi năm huy động từ 1 đến 2 lần ủng hộ Quỹ này, vì theo tôi đây là một Quỹ thực sự có ý nghĩa.

Ông có thể cho biết những hoạt động thiết thực của Hội hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi toàn dân tham gia Đền ơn đáp nghĩa?

- Hưởng ứng lễ phát động của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam từ ngày 27/4, Hội đã có công văn gửi các hội nhằm triển khai cụ thể các hoạt động, như phối hợp cùng với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhắn tin tri ân liệt sĩ vào 2 đợt.

Chúng tôi tổ chức phát động tại Học việc Hậu cần và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từ đó khơi dậy tấm lòng của thế hệ đi sau đối với thương binh liệt sĩ. Cùng với đó, Hội thi viết về Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình thương binh liệt sĩ từ đó lựa chọn ra 100 bài in thành sách để tuyên dương gia đình thương binh, liệt sĩ khó khăn, vươn lên thoát nghèo.

Chúng tôi cũng phối hợp với Tổng cục Chính trị tổ chức triển lãm về gương vượt khó của thân nhân gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng và hiện vật của liệt sĩ, đồng thời tổ chức chương trình nghệ thuật tri ân liệt sĩ. Dựa theo kịch bản của nhà văn Chu Lai “Linh hồn liệt sĩ” để chuyển thể thành phim, xuất bản cuốn “Dòng sông tri ân”, tặng 127 nhà tình nghĩa, hơn 1.000 cuốn sổ tiết kiệm mỗi suất ít nhất 5 triệu đồng. Đồng thời Hội cũng đã hỗ trợ hơn 200 xe lăn, xe lắc và hơn 10.000 suất học bổng đối với con em thương binh liệt sĩ học giỏi…

Đặc biệt, theo thống nhất của Bộ LĐTB&XH, chúng tôi sẽ lấy mẫu của 20 liệt sĩ tại nghĩa trang đường 9 Quảng Trị. Ở đó có Sư đoàn 304 đã cung cấp danh tính của 20 liệt sí nhưng không phân biệt được danh tính (liệt sĩ chưa biết tên). Chúng tôi sẽ cử đoàn vào Quảng Trị lấy hài cốt liệt sĩ, đồng thời lấy mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ để đối chiếu. Hy vọng rằng sẽ đạt được kết quả cao, vì đây là những ngôi mộ có thông tin tương đối tin cậy.

Kinh phí được huy động các nguồn lực xã hội. Chúng tôi cũng tiến hành ký hợp đồng với Viện Pháp y quốc gia, Viện giúp chúng tôi lấy mẫu về xét nghiệm. Đồng thời phối hợp với Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị và Ban Quản lý Nghĩa trang đường 9 tổ chức thuê người lấy mẫu hài cốt. Mong rằng trong đợt kỷ niệm 70 năm sắp tới sẽ có được kết quả chính xác. Việc công bố được 20 danh tính liệt sĩ có ý nghĩa lớn đối với gia đình, người thân của liệt sĩ và đặc biệt đối với xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tới khu dân cư