Đóng góp ý kiến dự thảo Đề án “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045”, các chuyên gia đều cho rằng cần giải pháp đồng bộ và lộ trình bài bản.
Hướng tới hệ sinh thái sử dụng tiếng Anh trong trường học
Vừa qua, 17 trường đại học (ĐH) sư phạm, ĐH ngoại ngữ có đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh; giảng viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh; đại diện các trường mầm non và phổ thông… đã dự hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Đề án “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045” do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Ý kiến đại diện các trường có đào tạo giáo viên tại hội thảo đều khẳng định vai trò trọng tâm, chiến lược của việc phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên Tiếng Anh và giảng dạy các môn học khác bằng tiếng Anh.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Từ năm 2013 đến nay, nhà trường đã triển khai nhiều chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy bằng tiếng Anh, phát triển được hệ thống chương trình, học liệu, đội ngũ và tuyển sinh, đào tạo các ngành: Sư phạm Toán học (dạy bằng tiếng Anh), Giáo dục Tiểu học - Sư phạm tiếng Anh, Giáo dục Mầm non - Sư phạm Tiếng Anh. Tiếp đó, từ năm 2014, nhà trường mở rộng sang đào tạo các môn Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học và Sư phạm Tin học dạy bằng tiếng Anh.
Từ thực tiễn triển khai, ông Sơn cho rằng việc phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy các môn học, chuyên ngành bằng tiếng Anh cần được xác định là một trong những trọng tâm chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án.
Theo bà Bùi Trần Quỳnh Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, dự thảo Đề án nói trên cho thấy cách tiếp cận mới, không chỉ đơn thuần là dạy tiếng Anh, mà là xây dựng một hệ sinh thái sử dụng tiếng Anh trong nhà trường. Thứ nhất, dự thảo Đề án có lộ trình triển khai rõ ràng, chia theo từng giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn 2045, giúp các địa phương, nhà trường có thời gian chuẩn bị, thích ứng. Thứ hai là có tư duy hiện đại khi ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong dạy và học tiếng Anh, đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền. Thứ ba, tinh thần xã hội hóa rất rõ nét, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức giáo dục quốc tế, các trường tư thục, các doanh nghiệp nhằm tăng thêm nguồn lực cho triển khai.
Để Đề án thực sự khả thi, bà Ngọc lưu ý 6 nhóm nội dung cần hoàn thiện, liên quan đến khái niệm “ngôn ngữ thứ hai”; tiêu chí; cơ chế giám sát học thuật độc lập; đào tạo cán bộ quản lý; thí điểm triển khai trước khi nhân rộng và xây dựng nền tảng học liệu số quốc gia dùng chung. Theo đó, Đề án nên hướng đến phát triển một hệ thống học liệu số toàn quốc, tích hợp AI, có khả năng phân tích năng lực người học và lộ trình học cá nhân hóa. Điều này vừa nâng cao chất lượng, vừa tiết kiệm chi phí, tránh tình trạng manh mún giữa các địa phương.
Cần đầu tư có trọng tâm
Một trong những nội dung được quan tâm nhất hiện nay là tính khả thi của Đề án khi triển khai. Bởi điều kiện để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường ở nhiều địa phương, địa bàn khác nhau; có sự khác biệt lớn về điều kiện giảng dạy, thực hành giữa thành thị và nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Ông Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, phân kỳ 5 năm đầu tiên cần tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào trường đào tạo giáo viên và cơ sở giáo dục cân đối theo vùng miền; sau đó nhân rộng. Trong đó, 2 nội dung cần tập trung là đào tạo, bồi dưỡng giảng viên sư phạm, giáo viên mầm non và phổ thông; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng số, học liệu, trong đó gợi ý có thể xây dựng bộ sách giáo khoa song ngữ. Bà Lê Thị Mai Oanh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) gợi ý, nên dự báo số giáo viên cần đào tạo trong lộ trình để điều chỉnh đặt hàng đào tạo giáo viên, cũng như giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho trường sư phạm.
Mới đây nhất, tại Hội thảo lấy ý kiến các trung tâm ngoại ngữ về dự thảo Đề án đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, NGND Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nêu quan điểm, một trong những yếu tố quan trọng giúp học sinh Việt Nam phát triển, trở thành công dân toàn cầu là ngoại ngữ. Để Đề án triển khai thành công, việc đầu tiên cần phải làm là thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên về tầm quan trọng ngoại ngữ. Còn Chủ tịch HĐQT Trường Ngôi sao Hà Nội đề xuất 5 vấn đề trọng điểm cần được quan tâm, chú trọng khi triển khai đề án, bao gồm: Chương trình phù hợp với các đối tượng, các vùng miền; đội ngũ giáo viên; công tác kiểm tra, đánh giá; quản lý thực hiện; giải pháp triển khai.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Phạm Ngọc Thưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục ĐH, đặc biệt các trường có đào tạo tiếng Anh, sư phạm tiếng Anh chủ động xây dựng chương trình, chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất theo năng lực của mình để đào tạo sinh viên; chủ động xây dựng chương trình, cách thức, phương pháp bồi dưỡng giáo viên; phối hợp với các Sở GDĐT; tham mưu Bộ GDĐT trong đề xuất chính sách…