Việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục được thể chế hóa một cách cụ thể. Trong đó, giải pháp xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý những thông tin có giá trị từ “tai mắt” của dân một cách hiệu quả là cách làm sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh của quần chúng trong công cuộc bài trừ tham nhũng hiện nay.
Sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về việc phải dựa vào dân, lắng nghe dân, phải tập trung giải quyết những phản ánh, kiến nghị, những khiếu nại, tố cáo, bức xúc của nhân dân về tham nhũng, tiêu cực.
Riêng tại TP Hồ Chí Minh, trong 5 năm qua, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận 9.864 thông tin phản ánh từ người dân. Qua đó đã xử lý 9.609 thông tin, với kết quả 15 tổ chức đảng bị kỷ luật, 12 tổ chức bị khiển trách, 3 tổ chức bị cảnh cáo; có 405 đảng viên bị kỷ luật, và 453 cán bộ bị kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ đòi hỏi quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mà còn cần tinh thần đổi mới các giải pháp phù hợp với thực tiễn và sự đồng lòng, hưởng ứng tích cực của cộng đồng. Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa mới tiếp tục ban hành chủ trương “mua tin”, xử lý thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là giải pháp sáng tạo, đưa chủ trương của Đảng và các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào cuộc sống một cách mạnh mẽ hơn. Người dân được khuyến khích, động viên cung cấp thông tin có giá trị, phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, chủ thể cung cấp thông tin là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đang sinh sống, làm việc và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; không bao gồm tổ chức, cá nhân chuyên trách trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực và cán bộ, công chức, nhân viên tại cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền tiếp nhận thông tin. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin và “mua tin” phải đảm bảo bí mật, kịp thời, chính xác, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Việc “mua tin” cũng gắn liền với cơ chế bảo đảm sự an toàn, tin cậy cho những người muốn phản ánh và tố cáo các hành vi tham nhũng. Cách làm mới này có tính đột phá, trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thiết lập cơ chế động viên, khuyến khích và bảo vệ người dân cung cấp thông tin mang tính tố giác là cách làm bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động công quyền, đồng thời đề cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Không việc gì có thể che giấu được tai mắt của nhân dân. Giải pháp “mua tin” từ người dân giúp cơ quan chức năng có thêm một kênh dữ liệu quan trọng để xử lý vi phạm, tiêu cực, đồng thời phòng ngừa, răn đe, cảnh báo cán bộ các cấp phải “làm đúng, làm tốt” chức trách của mình. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cũng đồng thời đẩy lùi tâm lý cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, theo kiểu “không dám nghĩ, không dám làm”.
Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả tích cực, rất cần sự hưởng ứng, ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế bảo đảm cho nhân dân tin tưởng bày tỏ ý kiến, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực. Sự tương tác hiệu quả giữa cơ quan có thẩm quyền và người dân trở thành đòn bẩy mạnh mẽ, góp phần ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực lộng hành. Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” vẫn cam go, thách thức, đòi hỏi quyết tâm cao và những giải pháp sáng tạo, đột phá, phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân.