Kinh tế

Đưa vốn vào nền kinh tế

H.Hương 14/05/2025 10:15

Hàng loạt gói tín dụng lớn được các ngân hàng tung ra nhằm phục vụ nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Các ngân hàng nỗ lực tái cơ cấu hoạt động để tối ưu hiệu quả cho vay.

Ngân hàng đồng loạt tham gia vào các gói tín dụng “khủng”

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã làm việc với các ngân hàng triển khai gói tín dụng khoảng 500.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số. Hiện có 21 ngân hàng thương mại đăng ký tham gia với các quy mô cam kết khác nhau.

tren.png
Gần đây các gói tín dụng lớn được một số ngân hàng bung ra. Nguồn: vnbusiness.vn

Không những vậy, hồi trung tuần tháng 4, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại mở rộng phạm vi, đối tượng của Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo Công văn số 5631/NHNN-TD ngày 14/7/2023 của NHNN Việt Nam thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.

Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản. Chương trình được triển khai đến khi doanh số cho vay đạt 100.000 tỷ đồng (theo mức đăng ký của các ngân hàng thương mại).

Bà Mã Thị Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng từng chia sẻ, rất nhiều DN trong vùng khi gặp khó khăn không thể tự bán nhanh tài sản để trả nợ, lấy vốn còn lại để gây dựng lại DN hoặc thành lập DN mới. Do bán tài sản không kịp để trả nợ ngân hàng dẫn tới lãi phát sinh tăng cao. Vì thế, bà Thanh kiến nghị, NHNN, các ngân hàng thương mại xem xét tăng vốn các gói hỗ trợ DN nhỏ và vừa; giảm lãi vay với các khoản vay đang từ 9-12%/năm (trở lên) về mức 6,5 - 7%/năm cho hợp lý hơn, giảm lãi phạt với DN.

Hơn 700.000 tỷ đồng cho vay dự án xanh

Đến ngày 15/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024. Con số này tích cực hơn kết quả của thời điểm này năm 2024 (tăng 1,21%). Nếu so với cùng kỳ, tín dụng toàn hệ thống tăng 18,19%.

Cùng với đó, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Đến ngày 10/4, lãi suất cho vay bình quân với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024. Các ngân hàng đã công bố lãi suất cho vay trên website nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Thời gian gần đây thông tin các gói tín dụng “khủng” với lượng ngân hàng tham gia giải ngân rất lớn được bung ra.

NHNN cho biết trong tiến trình xanh hóa nền kinh tế, nhu cầu về nguồn lực tài chính - đặc biệt là vốn cho các hoạt động chuyển đổi xanh - đang ngày càng trở nên cấp thiết. Đối với các khu công nghiệp - nơi tiêu thụ nhiều năng lượng và tài nguyên - việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp xanh không chỉ là yêu cầu bắt buộc để thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế mà còn là cơ hội để nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, thời gian qua, NHNN đã triển khai kịp thời, đồng bộ để tạo điều kiện triển khai, thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh. Đến ngày 31/3/2025 đã có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, tín dụng xanh có sự phát triển cả về số lượng TCTD tham gia cho vay, quy mô và tốc độ tăng trưởng.

Từ chỗ chỉ có 15 TCTD tham gia cho vay xanh vào năm 2017 với dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180 nghìn tỷ, đến 31/12/2024, đã có 48 TCTD cho vay với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 41%) và nông nghiệp xanh (trên 29%); tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.

Giới chuyên gia cũng đánh giá toàn ngành ngân hàng cũng đã nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường tín dụng cho sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Chưa kể, các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay khách hàng, nhất là giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa vốn vào nền kinh tế