Các mặt hàng được rao bán trên mạng gồm tất cả các loại ma túy, tiền giả, dữ liệu thẻ tín dụng giả hoặc bị đánh cắp, sim điện thoại, và các phần mềm độc hại.
Ngày 12/1, các công tố viên cho biết một chiến dịch quốc tế do cảnh sát Đức đứng đầu đã đánh sập một trang giao dịch trực tuyến bán hàng cấm lớn nhất thế giới.
Theo đó, vào thời điểm bị đóng cửa, trang mạng tên DarkMarket này có gần 500.000 người mua và hơn 2.400 tài khoản đăng ký bên cung cấp. Đại dịch Covid-19 đã khiến các nhóm buôn bán ma túy chuyển sang hình thức giao dịch trực tuyến.
Trong một thông báo, các công tố viên hay cảnh sát thành phố Oldenburg, miền Bắc nước Đức, đã bắt giữ một người Australia, 34 tuổi, bị cho là người điều hành trang mạng đen bị mã hóa này. Đối tượng này bị bắt giữ ở gần khu vực biên giới giữa Đức và Đan Mạch. Ngoài ra, lực lượng chức năng của các nước khác tham gia chiến dịch này đã thu giữ 20 máy chủ mà trang mạng đen này sử dụng tại Moldova và Ukraine.
Các nhà chức trách phát hiện trang mạng đen DarkMarket khi tiến hành điều trang công ty cung cấp dịch vụ Internet Cyberbunker có trụ sở tại Hà Lan. Cyberbunker bị cáo buộc là "hang ổ" của các các tội phạm mạng và thư rác. Theo các nhà chức trách Đức, không rõ DarkMarket đã "ẩn náu" trên Cyberbunker trong bao lâu.
Theo các nhà chức trách, ít nhất 320.000 giao dịch, hơn 4.560 bitcoin và 12.800 monero - hai trong số đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất hiện nay - đã được giao dịch trên trang mạng đen này. Số tiền kỹ thuật số trên có giá trị quy đổi lên tới 140 triệu euro (tương đương 170 triệu USD).
Các mặt hàng được rao bán trên mạng gồm tất cả các loại ma túy, tiền giả, dữ liệu thẻ tín dụng giả hoặc bị đánh cắp, sim điện thoại, và các phần mềm độc hại. Các công tố viên cho biết các nhà điều tra sẽ sử dụng những dữ liệu thu giữ được để tiến hành điều tra các đối tượng có liên quan.
Chiến dịch quốc tế này có sự tham gia của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), Cơ quan phòng chống ma túy, lực lượng chống ma túy DEA, Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) cùng với cảnh sát của các nước như Australia, Anh, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Ukraine và Moldova. Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) đóng vai trò điều phối trong chiến dịch này.