Sau một khoảng thời gian thực thi chính sách mở cửa đối với người tị nạn, mới đây Đức đã phải đề nghị với EU nới lỏng một số vấn đề nhân quyền của người tị nạn để đẩy nhanh quá trình trục xuất trong trường hợp xảy ra một làn sóng di cư mới.
Ảnh minh họa.
Theo Reuters, một văn bản làm việc của giới chức Đức bị rò rỉ mới đây cho thấy chính quyền nước này đang muốn đẩy nhanh tiến trình trục xuất những người tị nạn mới để đề phòng trường hợp xảy ra một đợt khủng hoảng di cư mới ở EU.
Theo các điều luật nhân quyền hiện tại của EU, những người nhập cư diện kinh tế có thể bị trục xuất về nước bất cứ lúc nào, nhưng những người nộp đơn xin tị nạn đang chờ đợi câu trả lời của chính quyền lại chỉ có thể bị trục xuất về một số quốc gia nhất định được coi là “an toàn”. Các nước như vậy cần phải đảm bảo sự an toàn cho những người trở về.
Giới chức Đức mới đây cho rằng một số quy định trên là không cần thiết và nên được gỡ bỏ, thêm rằng việc trục xuất người tị nạn ở quy mô lớn đương nhiên vẫn bị loại bỏ.
Hiện tại, khối EU gồm 28 thành viên có thể trục xuất bất kỳ người tị nạn nào về nước chiếu theo thỏa thuận một-đổi-một ký kết giữa họ và Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái. Theo thỏa thuận, cứ mỗi một người di cư bị mắc kẹt ở EU sẽ được gửi trả về Thổ Nhĩ Kỳ thì một người tị nạn khác ở nước này sẽ được cho phép tới châu Âu để đổi lại.
Thỏa thuận này được cho là còn có thể được mở rộng để cho phép EU trục xuất người tị nạn đến nhiều quốc gia khác ở phía Nam vùng biển Địa Trung Hải như Libya, Tunisia hay Ai Cập. Đáng chú ý hơn, một số khu vực các nước từng được coi là nguy hiểm sẽ có thể được công nhận là “vùng an toàn” để đón nhận thêm người trở về.
Hiện EU chưa đưa ra bất cứ bình luận gì về thông tin gây tranh cãi này, tuy nhiên một người phát ngôn của nước Pháp cho hay khối này đã bác bỏ mọi đề xuất kiểu này.
Đức, quốc gia phải tiếp nhận nhiều người di cư hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác trong năm 2015, giờ đã phải thay đổi quan điểm và thắt chặt hơn tiến trình xét đơn xin tị nạn ở nước này. Chính quyền Berlin cũng đã đưa ra ý tưởng đổ vốn xây dựng các trại tị nạn bên ngoài khối EU để ngăn dòng người di cư tới châu lục này.