Hàng loạt mẫu xe của Ducati như Hypermotard, Diavel, Monster, Scambler… sẽ được bán online, người tiêu dùng giờ đây có thể không cần đến các showroom, chỉ cần lên mạng là mua được chiếc xe mình cần.
"Máy bán hàng tự động" tại Singapore.
Đại diện Ducati Việt Nam cho biết, đây là hình thức kinh doanh mới. Việc bán hàng theo phương thức mới này (bán hàng online), người dùng được hưởng nhiều chương trình ưu đãi của nhà phân phối online này, như chương trình ưu đãi trả góp, được giao xe tận nhà…, chưa kể phát triển thêm các mảng sản phẩm gắn kèm với xe.
Ducati không phải nhà sản xuất đầu tiên kinh doanh online. Trước Ducati, đã có một số thương hiệu xe máy khác cũng đã gia nhập cuộc chơi kinh doanh online này, tuy nhiên mới chỉ dừng ở các mức độ đơn lẻ. Trong số này có thể kể đến các đại lí xe SYM, Kymco… khắc phục yếu điểm về độ phủ đại lí tới người tiêu dùng. Thậm chí một số HEAD của Honda cũng đang thực hiện việc này trên trang web kinh doanh điện tử Adayroi.
Đáng quan tâm, việc bán hàng qua mạng tại Việt Nam, dù mới chỉ manh nha nhưng được đánh giá là một trong những “công cụ” hữu hiệu chống lại việc “làm giá” trong lĩnh vực kinh doanh ôtô lẫn xe máy. Việc công khai mức giá, chế độ bảo hành, màu sắc lựa chọn… trên các trang web kinh doanh trực tuyến uy tín sẽ giúp người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi của mình nhiều hơn.
Đây là hình thức bán hàng đã phổ biến trên thế giới. MINI đã triển khai tại Ấn Độ, SEAT mang xe tới giường ngủ khách hàng tại Pháp, FIAT thăm dò thị trường Mỹ bằng một số mẫu xe được “bày bán” trên Amazone, trong khi Peugeot tấn công thị trường Anh láng giềng bằng các mẫu crossover 3008 và 5008.
Trong khi đó, ở khu vực châu Á, Singapore tiên phong với phòng trưng bày và bán siêu xe qua máy bán hàng tự động khi công ty kinh doanh ô tô cũ Autobahn Motors chính thức khai trương showroom 15 tầng, với các mặt hàng chính là Bentley, Ferrari hay Lamborghin
Các mẫu Fiat được bày bán trên Amazon.
Tại thị trường lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Ford Motor và Alibaba Group Holding Ltd đã ký thoả thuận hợp tác nhằm khai thác tiềm năng của lĩnh vực điện toán đám mây, kết nối và bán lẻ. Điều này có nghĩa Ford có thể tiếp cận nền tảng bán lẻ trực tuyến Tmall của Alibaba (còn gọi là Taobao) để phân phối sản phẩm.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích việc kinh doanh và bán xe qua mạng internet khi nhiều đại lí bán xe trên thế giới cho rằng điều này gián tiếp “tiêu diệt” các đại lí ôtô, xe máy mất đi một nguồn thu từ việc bán hàng, cho dù vẫn giữ được các mảng dịch vụ, bảo hành bảo dưỡng.