Đùn đẩy trách nhiệm bồi thường

Trần Duy Hưng 16/01/2017 07:15

39 hộ dân ở thôn Đại Thắng xã Nam Mỹ (Nam Trực-Nam Định) bức xúc cho biết: Việc thi công di chuyển đường điện cao thế 110 KV đến địa bàn thôn (nằm trong dự án làm đường nối cầu Tân Phong với QL 21), nhà thầu đã khiến một diện tích ruộng đất lớn của bà con bị biến dạng, không thể canh tác. Đáng nói là công trình hoàn thành đã lâu và đã qua 2 vụ, ruộng, đất của họ phải bỏ hoang nhưng đến Tết này nhà thầu vẫn “lặn mất tăm”.

Quá trình thi công đường điện đã khiến một diện tích lớn ruộng đất của người dân xã Nam Mỹ bị ảnh hưởng,phải bỏ hoang hóa lâu nay.

Cột điện dựng xong, tan hoang đất đai...

Quan sát cánh đồng của thôn Đại Thắng, thấy có 4 cột điện cao thế 110 KV. Theo các hộ dân, các cột điện này được Công ty lưới điện cao thế miền Bắc dựng lên từ đầu năm 2016. Đúng như người dân phản ánh, xung quanh chân các cột điện cao thế, là các mảnh ruộng bị bỏ hoang, bởi bề mặt chỗ thì bị đào sâu hoắm, sụt lún, chỗ thì bị phủ bởi những lớp đất dày...

Bà Nguyễn Thị Thìn, trưởng thôn Đại Thắng cho biết: Đầu năm 2016, đường nối cầu Tân Phong với Quốc lộ 21 được xây dựng, kéo theo việc phải di chuyển 4 cột điện cao thế. Để phục vụ việc này, UBND huyện Nam Trực (chủ đầu tư dự án đường) đã thu hồi, thực hiện đền bù cho một số hộ dân có diện tích ruộng phải thu hồi để đặt móng 4 cột điện.

Tuy nhiên, quá trình nhà thầu đào móng đã khiến những diện tích ruộng xung quanh bị sụt lún, biến dạng. Đặc biệt, một lượng lớn đất chua phèn đào lên đã phủ lấp một lượng lớn diện tích ruộng đất liền kề, khiến từ đó đến nay bà con không thể canh tác, yêu cầu đơn vị thi công phải đền bù.

Liên quan đến việc này, ngày 14/3/2016, tại UBND xã Nam Mỹ, đại diện chính quyền xã; các ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh lưới điện cao thế Nam Định, ông Vũ Thế Vinh, đại diện Công ty CP công nghiệp điện Phi Trường (có trụ sở tại TP. Nam Định, được Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc ký hợp đồng thuê thực hiện di chuyển đường điện) và những hộ dân có ruộng bị ảnh hưởng đã có buổi làm việc.

Tại đây, các bên thống nhất phía Tổng công ty điện lực miền Bắc cam kết sẽ bồi thường, hỗ trợ cho người dân có ruộng bị ảnh hưởng trong 3 năm.

Cụ thể, hỗ trợ đất trồng lúa 5000 đ/m2 trong 6 vụ, hỗ trợ làm đất 160.000 đ/sào trong 6 vụ; hỗ trợ phân NPK để cải tạo đất, mức 50kg/sào trong 6 vụ; bổ sung 36m3 đất màu cho mỗi sào; riêng đất trồng đào bồi thường 25 triệu đồng/sào.

Theo kết quả thống kê thiệt hại của chính quyền xã Nam Mỹ trong tháng 5/2016 quá trình thi công 4 cột điện trên đã làm ảnh hưởng tổng cộng 9.505 m2 đất ruộng (2,6 mẫu) của 39 hộ dân thôn Đại Thắng. Với diện tích này và với mức hỗ trợ các bên liên quan đã thống nhất trước đó, tổng mức bồi thường ngành điện phải chi trả cho các hộ dân khoảng 600 triệu đồng...

Theo ông Trần Ngọc Duy, một trong 39 hộ dân có ruộng bị ảnh hưởng: sau khi có kết quả thống kê, các hộ dân đã chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nộp cho xã để được nhận đền bù. Tuy nhiên, theo ông Duy, từ đó đến nay các ông đã “đợi dài cổ” vẫn không thấy đại diện Công ty điện hay nhà thầu về chi trả đền bù theo cam kết.

Chính quyền và nhà thầu đùn đẩy trách nhiệm

Mang nỗi bức xúc của người dân thôn Đại Thắng tới gặp các ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh lưới điện cao thế Nam Định, ông Vũ Thế Vinh, đại diện của Công ty CP công nghiệp điện Phi Trường tại trụ sở Chi nhánh lưới điện cao thế Nam Định (những người đã trực tiếp về làm việc, cam kết bồi thường cho người dân), PV được ông Phạm Văn Cường cho biết: lý do đến thời điểm này phía TCT Điện lực miền Bắc, phía nhà thầu chưa thực hiện bồi thường cho người dân là do các đơn vị này đang chờ phúc đáp của chính quyền huyện Nam Trực (chủ đầu tư), của UBND tỉnh Nam Định (cơ quan phê duyệt đầu tư dự án đường nối cầu Tân Phong) về cơ chế bồi thường.

Ông Phạm Văn Cường (trái), ông Vũ Thế Vinh (phải) trong buổi làm việc với PV.

“Số tiền đền bù khá lớn với nhà thầu. Chúng tôi đang đợi chính quyền địa phương, chủ đầu tư dự án cho biết theo quy định hiện tại một m2 đất ruộng bị thiệt hại phải đền bù bao nhiêu? Chúng tôi cũng đề nghị chủ đầu tư cùng thực hiện việc đền bù và đang đợi trả lời. Hiện kinh phí đền bù chúng tôi đã có sẵn, sau khi việc đền bù được thống nhất, chỉ việc mời người dân đến chi trả là xong”, ông Cường giải thích.

Lý giải về việc cam kết bồi thường và mức bồi thường thể hiện trong biên bản làm việc ngày 14/3/2016, ông Cường cho biết thời điểm đó do phải đảm bảo tiến độ thi công nên phía nhà thầu phải cam kết như vậy để người dân tạo điều kiện về mặt bằng...

Trong khi đó, ngày 15/1, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực, Chủ đầu tư dự án đường nối cầu Tân Phong không đồng tình với giải thích trên của ông Phạm Văn Cường, khẳng định trong việc này, trách nhiệm bồi thường là của Tổng Công ty điện lực miền Bắc.

“Ở đây là họ muốn xin thêm UBND tỉnh khoản kinh phí đền bù phát sinh nhưng không thể được. Chủ tịch UBND huyện Nam Trực cũng cho biết: “Tôi đã chỉ đạo anh Hà (ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện) hôm nay (16/1) làm công văn đề nghị TCT Điện lực miền Bắc sớm thực hiện trách nhiệm bồi thường cho người dân”.

Như vậy, đến thời điểm này giữa chính quyền địa phương-chủ đầu tư dự án và ngành điện, nhà thầu thi công vẫn còn “đùn đẩy” trách nhiệm bồi thường cho nhau trong khi người dân phải chịu nhiều thiệt hại và đã phải chờ việc đền bù rất lâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đùn đẩy trách nhiệm bồi thường