Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt là để chúng ta trân quý và trân trọng gìn giữ, chứ không phải đem làm mồi… nhậu. Nhất là lấy lý do kích cầu du lịch. Đó là tâm trạng buồn của người yêu di sản trước việc Sở VHTTDL Ninh Thuận tổ chức tiệc tùng, ca hát trong khuôn viên Tháp Chăm Pôklông Garai (700 tuổi) để quảng bá du lịch tối 7/7.
Không gian linh thiêng dưới tháp Pôklông Garai đã bị Sở VHTTDL Ninh Thuận biến thành địa điểm “nhậu” của khoảng 150 thực khách vào tối 7/7. Không chỉ ăn uống, người dự còn vui vẻ ca hát rầm rĩ. Lý do được đưa ra là: Sở VHTTDL Ninh Thuận tổ chức chương trình Famtrip cho các đoàn lữ hành tham quan Tháp Chăm để đưa du khách về cho tỉnh.
Quần thể Tháp Chăm là tổ hợp những kiến trúc do các vị vua, người đại diện cho các vương triều xây dựng. Đây là những công trình kiến trúc tâm linh, không gian thờ tự tôn giáo. Cụm tháp Pô Klong Garai được xây dựng từ cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, gồm 3 tháp nằm trên đỉnh đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm. Hiện cụm tháp này còn nguyên vẹn, là nơi diễn ra các nghi lễ chính trong lễ hội Katê hàng năm của người Chăm theo đạo Bà La Môn.
Tháp Pô Klong Garai được Thủ tướng ký quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 22/12/2016.
Tháp Pô Klong Garai là di tích quốc gia đặc biệt, nhưng không có nghĩa di tích này bị nhà nước thu lại không cho đồng bào Chăm hành lễ. Tín ngưỡng tôn giáo của người dân là điều được luật pháp quy định. Do đó, việc tổ chức tiệc tùng, ca hát, gây ra tiếng ồn ở chốn thờ tự là điều tối kỵ.
Tháp Chăm mỗi năm chỉ tổ chức lễ hội vào các ngày hành lễ chính như Katê... Ban quản lý tháp Chăm lẽ ra phải giữ được không gian “thiêng” của di tích chứ không vì “nể” Sở VHTTDL Ninh Thuận mà cho phép tổ chức tiệc tùng ở đây. Trách nhiệm chính trong vụ việc này thuộc về Ban quản lý tháp Chăm.