Đừng bỏ lỡ tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ

Nghĩa Toàn 16/11/2021 07:19

Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều trẻ tiêm chủng không đúng lịch, bỏ lỡ các mũi tiêm do phụ huynh ngại không đưa trẻ đi tiêm. Do vậy, có nguy cơ trẻ sẽ mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh đã tiếp nhận điều trị 10 bệnh nhi nhập viện do viêm não, trong đó có 2 trẻ đến khám và điều trị trong tình trạng rất nặng.

Đơn cử như trường hợp của bệnh nhi Vũ Đức M. 9 tuổi trú tại Quang Trung, Uông Bí. Người nhà bệnh nhi cho biết, khoảng 2 ngày trước khi nhập viện trẻ kêu đau đầu nhiều, gia đình cho trẻ dùng giảm đau nhưng không đỡ. Đến buổi tối cùng ngày, sau khi ăn cơm tối, trẻ nôn ra thức ăn, có biểu hiện lơ mơ. Gia đình đã đưa trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.

Trẻ nhập viện ngày 13/10 trong tình trạng lơ mơ, li bì, nhịp thở yếu, không đều. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực cho trẻ, hỗ trợ thở ô xy, truyền dịch, đặt nội khí quản…Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm não.

Một trường hợp khác là bé Trần Thanh T. (5 tuổi, ở Hải Phòng), đã nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) 3 tuần nay, tuy nhiên trẻ vẫn phải phụ thuộc vào máy thở, liệt tứ chi, tiên lượng nặng. Được biết, trước đó trẻ xuất hiện triệu chứng sốt cao, sốt từng cơn, kèm theo đau đầu, nôn nên được gia đình đưa vào viện Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng và được chẩn đoán mắc viêm não Nhật Bản. Sau đó bệnh nhi xuất hiện tình trạng giảm ý thức, suy hô hấp, các bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Khai thác bệnh sử, mẹ bệnh nhi cho hay, trẻ được tiêm phòng 3 mũi viêm não Nhật Bản khi trẻ 2 tuổi nhưng từ đó đến nay chưa tiêm nhắc lại.

Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên, đây là virus gây viêm não hàng đầu Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 8, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi.

Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay, tuy đa số các trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi. Các bà mẹ có con lớn tuổi mắc viêm não Nhật Bản hầu hết đều cho rằng con đã được tiêm phòng 3 mũi đầy đủ đến 2 tuổi. Nhưng đây là quan niệm sai lầm khiến gia tăng trẻ lớn mắc bệnh. Các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho con mình đầy đủ và tiêm nhắc lại 3-5 năm một lần đến năm 15 tuổi

Một căn bệnh nguy hiểm khác cũng có thể được phòng, chống bằng vaccine là bệnh sởi. TS Nguyễn Văn Lâm cho biết: “Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Tất cả những trẻ đã quá lịch tiêm chủng mà chưa bị mắc sởi thì nên đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm chủng đầy đủ. Đây cũng là cách để phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng”.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều phụ huynh có tâm lý e ngại cho trẻ đến các địa điểm tiêm chủng khiến trẻ không được tiêm vaccine phòng bệnh đúng lịch hẹn. Các chuyên gia y tế cho biết, điều này có thể làm giảm tác dụng của vaccine gây nhiều phản ứng sau tiêm hơn như: Vaccine viêm gan B chỉ hiệu quả cao và có nhiều ý nghĩa khi tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh; vaccine lao cần tiêm sớm trong tháng đầu tiên, tiêm sau 1 tháng tuổi có nguy cơ sưng, đau và hiệu quả vaccine thấp hơn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng bỏ lỡ tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO