Thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hiện có thêm nhiều lựa chọn hơn khi có tới hơn 70 trường thông báo đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1 vào các ngành đại học hệ chính quy năm 2021.
Theo thông báo từ các trường đại học, có tới hàng nghìn chỉ tiêu được xét tuyển bổ sung. Nhận định từ các chuyên gia cho rằng, danh sách các trường dành chỉ tiêu xét tuyển bổ sung vẫn còn nối dài và có thể, sau đợt này vẫn còn các đợt xét tuyển bổ sung 2, 3 nữa. Thậm chí, với việc tự chủ tuyển sinh, các trường đại học được phép tuyển sinh quanh năm… Theo quy định tuyển sinh 2021, từ ngày 3/10, các cơ sở đào tạo sẽ bắt đầu thực quy trình xét tuyển và công bố điểm chuẩn của đợt xét tuyển bổ sung. Các đợt xét tuyển tiếp theo và cập nhật danh sách trúng tuyển, nhập học theo quy định sẽ diễn ra đến tháng 12/2021.
GS TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban đào tạo Học viện Tài chính lưu ý, với những thí sinh chưa trúng tuyển, dù đang sốt ruột nhưng các em vẫn phải bình tĩnh để tìm hiểu kỹ lưỡng về thông tin tuyển sinh đợt bổ sung của các trường cũng như các chương trình liên kết.
Theo chia sẻ của một số thí sinh trúng tuyển đợt 1, khi các nguyện vọng xếp trên lần lượt… trượt, việc trúng tuyển ở nguyện vọng dưới khiến các thí sinh cũng rất cân nhắc về việc đăng ký nhập học hay chờ tiếp cơ hội xét tuyển bổ sung của các trường. Dù lựa chọn thế nào thì yếu tố đầu tiên các thí sinh cũng cần xem xét đó là sự phù hợp của bản thân với ngành nghề đó, cơ hội việc làm sau khi ra trường và cả khả năng tài chính của gia đình. Bởi trong xu hướng tự chủ của các trường, lộ trình tăng học phí theo năm đã được công bố khá chi tiết nên thí sinh cần nắm được và chủ động tính toán để tránh bị “sốc” sau khi nhập học.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ở khối trường nông - lâm nghiệp điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1 cũng như điểm xét tuyển bổ sung rất thấp ở hàng loạt ngành đào tạo. Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy điểm chuẩn vào các khối ngành chuyên về trồng trọt và bảo vệ thực vật (Nông nghiệp, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật), nhóm ngành chăn nuôi và thú y là 15 điểm…
GS TS Vũ Huy Đại, Viện trưởng Viện Công nghiệp gỗ nhìn nhận, nhu cầu nhân lực ngành gỗ của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng những năm gần đây lượng sinh viên theo học ngành này tại các trường có đào tạo ngành Lâm nghiệp ngày một ít. Bên cạnh nguyên nhân từ phía nhà trường cũng cần tăng cường truyền thông về các ngành học này để thí sinh biết đến, hiểu và thay đổi nhận thức về ngành học, về công việc sau khi ra trường.
Cuối cùng, dù chọn học ngành đặc thù đến đâu nhưng cơ hội vẫn sẽ luôn đến với những sinh viên chăm chỉ, cầu tiến và nỗ lực trong học tập.