Chắc hẳn rất nhiều người đều đã từng bị mụn nhọt trên mặt, cổ. Thông thường, mụn nhọt sẽ tự khỏi sau 4-7 ngày, tuy nhiên cũng có những trường hợp lan rộng, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn huyết, thậm chí tử vong. Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khi nhọt xuất hiện không được tự ý nặn, hút.
Thông tin từ Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thời gian qua, đơn vị đã điều trị thành công cho rất nhiều bệnh nhân bị nhọt vùng đầu mặt cổ, đặc biệt có trường hợp bệnh nhân nữ (67 tuổi, Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường tuýp II, di chứng chất độc màu da cam bị hậu bối vùng gáy do vi khuẩn Staphylococcus aureus.
Trước khi vào viện 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện nhọt nhỏ bằng hạt đậu mọc vùng sau gáy, sau đó sưng tấy, đau nhiều, kèm theo sốt cao 38 - 39 độ C. Do lo sợ và tâm lý ngại đi bệnh viện nên bệnh nhân tự mua thuốc điều trị. Khi tổn thương có dấu hiệu lan rộng, đau nhiều mới tới một cơ sở y tế được chẩn đoán là hậu bối, rạch tháo mủ rồi xin tự uống thuốc ở nhà, tình trạng viêm nhiễm tiến triển nặng hơn, đã chuyển điều trị tại nhiều cơ sở nhưng không khỏi.
Sau 12 ngày, bệnh nhân được chuyển Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình điều trị với tình trạng viêm tấy lan tỏa diện rộng vùng gáy, nhiều tổ chức hoại tử và dịch mủ hôi thối, cơ thể rơi vào tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng với triệu chứng người yếu mệt, da xanh niêm mạc nhợt, thiếu máu mức độ vừa, ăn uống kém, đi lại bằng xe lăn.
Tại Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, bệnh nhân được phẫu thuật cắt lọc rộng rãi tổ chức hoại tử, lấy dịch mủ nuôi cấy vi khuẩn, đặt VAC hút dịch liên tục, điều trị phối hợp 3 loại kháng sinh phổ rộng, liều cao đường tĩnh mạch trước khi có kháng sinh đồ, kết hợp truyền máu, truyền đạm, điều chỉnh đường huyết và rối loạn điện giải. Sau khi có kết quả nuôi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ thì điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ kết hợp với chuyên khoa truyền nhiễm.
Bên cạnh đó các y bác sỹ và điều dưỡng viên tại trung tâm luôn động viên tinh thần, tận tâm chăm sóc, hỗ trợ, kiểm soát, giám sát chặt chẽ chế độ ăn của người bệnh, giúp người bệnh yên tâm điều trị, tin tưởng vào chuyên môn. Sau 30 ngày, nằm điều trị bệnh nhân đã khỏi bệnh và được ra viện.
Các chuyên gia y tế cho hay, nhọt là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh nó. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, vị trí thường xuất hiện là vùng đầu mặt cổ, nách, vai và mông. Khi nhọt hình thành ngay mí mắt người ta gọi là mụn lẹo, vùng quanh miệng gọi là đinh râu, còn ở vùng mặt sau của cơ thể như vùng gáy, lưng, mông gọi là hậu bối.
Hậu bối (Carbuncle) là bệnh lý gây ra bởi một nhóm nhọt liền kề nhau, chứa mủ, hoại tử lan sâu rộng xuống lớp mỡ và mô liên kết. Nguyên nhân của nhọt và hậu bối thường do vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus xâm nhập vào nang lông gây nên, bệnh thường gặp và diễn biến nặng nề hơn ở những người già có nhiều bệnh lý kết hợp như đái tháo đường, béo phì, suy giảm miễn dịch hoặc vệ sinh cơ thể kém.
Mụn nhọt thông thường có thể tiến triển viêm tấy đỏ rồi hóa mủ dần trong vòng 4 đến 7 ngày sau đó vỡ thoát mủ, lành sẹo và tự khỏi. Tuy nhiên đối với hậu bối bệnh thường tiến triển nặng nề, sau 2 đến 3 ngày bị bệnh tổn thương sẽ lan rộng, hóa mủ và tạo thành những ổ áp xe, sau đó chúng có thể vỡ ra, chảy dịch màu trắng hoặc dịch có màu hồng kem, lâu ngày sẽ tiến triển hoại tử tổ chức dưới da lan rộng, đặc biệt có thể dẫn tới viêm tấy lan tỏa, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí dẫn đến tử vong, do đó hậu bối không thể tự khỏi theo cách thay băng gạc thông thường hoặc tự uống thuốc mà cần có sự can thiệp chích rạch dẫn lưu mủ và điều trị theo bác sỹ chuyên khoa.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung - Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo: Khi nhọt xuất hiện không được tự ý nặn, hút, chườm nóng, lạnh hoặc đắp lá… bệnh có thể nhiễm trùng nặng nề hơn, thậm chí nhiễm khuẩn huyết. Trong trường hợp nhẹ không có biểu hiện đau nhức, sốt, có thể đợi vài ngày cho mụn “chín” và tự vỡ, dùng bông y tế vô khuẩn thấm dịch lấy mủ ra ngoài, sau đó rửa lại bằng dung dịch sát khuẩn Betadin hoặc cồn Iod, tránh làm tổn thương thêm vùng vừa được tháo mủ.
Tuyệt đối không đắp lá, đắp thuốc theo chỉ dẫn của người không có chuyên môn để tránh những hậu quả không mong muốn xảy ra. Nếu nhọt phát triển to nhanh, đau nhức nhiều thì không thể tự khỏi khi điều trị tại nhà mà phải nhanh chóng đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nhung - Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để phòng tránh mụn nhọt và hậu bối cần giữ gìn vệ sinh cơ thể và môi trường sống thật tốt. Nhà cửa lau chùi sạch sẽ, phòng ngủ thoáng mát, chăn gối cần được giặt sạch phơi nắng thường xuyên, thay quần áo mỗi khi bẩn. Xây dựng nếp sống lành mạnh. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để nâng cao thể trạng và sức bền miễn dịch, hạn chế đồ ăn nhiều đường và chất kích thích đặc biệt đối với những bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường. Không được chủ quan với bất kỳ biểu hiện bất thường nào trên cơ thể. Hãy đến ngay cơ sở y tế có uy tín để được khám và điều trị kịp thời.