Ẩm thực đường phố, nơi công cộng hoặc trên những gánh hàng rong, thức ăn đường phố với sự tiện lợi, giá cả phải chăng, đa dạng và hấp dẫn… ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm ở mọi lứa tuổi, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.
BS Nguyễn Thị Hiệp, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Tại Bệnh viện, trong tháng 4/2021, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Viện Lâm sàng các Bệnh truyền nhiễm nhiệt đới tiếp nhận một bệnh nhân nữ bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn gây mất nước mức độ nặng ngày thứ 2.
Bệnh nhân ăn lòng lợn ngoài quán từ trưa, sau vài giờ xuất hiện triệu chứng đau bụng dữ dội, đau mỏi toàn thân, kèm theo nôn liên tục, đi ngoài lỏng nước không cầm hàng chục lần. Bệnh nhân nhanh chóng đi vào trạng thái li bì, mệt mỏi nhiều, không ăn uống được, không tiểu được, gia đình đưa đến Bệnh viện TWQĐ 108 cấp cứu…
BS Hiệp khuyến cáo: Người dân không nên chủ quan trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt trong thời gian vừa qua xuất hiện rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm do sử dụng thực phẩm chay đóng hộp, ngộ độc tập thể trạng các khu công nghiệp và trường học.
Bản thân mỗi thực khách cần phải hiểu rõ những điều kiện cơ bản để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi bày bán thức ăn đường phố phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố.
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu, dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm và người kinh doanh thức ăn đường phố là: Nguyên liệu để chế biến thức ăn phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh; bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm; có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm…