Đừng coi thường ô nhiễm môi trường đất

Tuấn Việt 25/07/2017 10:05

Cùng với sự phát triển ở đô thị những năm qua là tình trạng ô nhiễm nguồn đất do hoạt động xây dựng, sản xuất công nghiệp và sinh hoạt. Nhiều đô thị mọc lên, nằm ngay trên những vùng đất có các chỉ số hóa học vượt chuẩn cho phép nhiều lần. Sức khỏe con người phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật cao, phát sinh từ nguồn đất. Chưa kể, diện tích đất đô thị “đáng sống” chưa thực sự tương xứng với sự phát triển.

Nguy hại ô nhiễm môi trường đất thẩm thấu từ những bãi rác như thế này.

Đất đô thị phình to

Theo báo cáo việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối 2016 – 2020 cấp quốc gia của Bộ TN&MT, trong giai đoạn từ 2000 đến 2010, diện tích đất đô thị Việt Nam đã tăng 700 nghìn ha, bình quân tăng 2,8%/năm. Dự kiến đến năm 2020, đất đô thị toàn quốc sẽ đạt khoảng 1.941,74 nghìn ha, tăng 424,59 nghìn ha so với năm 2015.

Hà Nội và TP HCM là hai địa phương có tốc độ tăng đất đô thị lớn nhất trong toàn quốc, khoảng 3,8 đến 4 % một năm. Dự kiến đến năm 2020, với tốc độ như hiện nay, cả hai TP trên sẽ có diện tích đất đô thị tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2000.

Đất đô thị tăng nhanh, nhưng tỷ trọng đất dành cho các vấn đề xã hội chưa đáp ứng yêu cầu thực sự của đời sống xã hội. Cụ thể, tỷ lệ đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng còn thấp (chiếm khoảng 29,78%). Nhiều đô thị, quỹ đất này chỉ đạt khoảng 10 đến 15%. Đáng chú ý, tỷ lệ đất dành cho giao thông khoảng 16%, tại các đô thị lớn chỉ chiếm 10%, trong khi yêu cầu phạt đạt tỷ lệ cần thiết ít nhất là 20 đến 25%.

Tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh như bến bãi, điểm đỗ xe công cộng chỉ đạt dưới 1%, trong khi yêu cầu tối thiểu từ 3 đến 3,5% diện tích đất xây dựng đô thị. Diện tích đất dành cho cấp thoát nước đô thị hiện chưa có quỹ đất để mở rộng theo nhu cầu phát triển. Các hệ thống hiện nay thường dùng chung với các cơ sở hạ tầng khác trên đường phố chính. Yêu cầu với loại đất cho hạ tầng cấp nước chiếm 1%, thoát nước vệ sinh môi trường đô thị trung bình từ 6-7%...

Ông Trần Ngọc Chính- Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho biết, tốc độ phát triển đất đô thị nhanh song thực tế đáng buồn là đất dành cho cuộc sống sát sườn của người dân còn thiếu và yếu. Thực tế cho thấy, nhiều diện tích mặt nước, cây xanh bị san lấp. Nhiều dự án quy hoạch diện tích dành cho công trình công cộng bị sử dụng sai mục đích. Các khu vui chơi công cộng bị thu hẹp tối đa để giảm bớt suất đầu tư hạ tầng cơ sở. Tắc nghẽn giao thông, ngập lụt khi mưa lớn, mất vệ sinh môi trường. Tình trạng đất bỏ hoang, suy giảm tài nguyên đất do nhiều dự án quy hoạch treo diễn ra phổ biến.

Sức khỏe của người dân đang bị đe dọa

Chất lượng môi trường đất tại các khu đô thị Việt Nam hiện nay, theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), đang có xu hướng ô nhiễm do chịu tác động từ các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, các bãi chôn lấp rác thải. Một số đô thị còn chịu ảnh hưởng do các điểm chưa chất độc hóa học tồn lưu, nhiều chỉ số hóa học cao hơn mức cho phép nhiều lần

Đơn cử như những vùng phụ cận khu vực chôn lấp chất thải rắn phường Trảng Dải (TP Biên Hòa), khu xử lý rác thải xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu), xã Túc Trưng (huyện Định Quán) tỉnh Đồng Nai, hàm lượng asen trong đất vượt quy chuẩn từ 1,05 đến 4,12 lần. Hàm lượng cu vượt 1,5 lần, crom và ni tơ trong đất cao từ 135 -375mg/kg. Hay khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), hàm lượng cd đã vượt quy chuẩn gấp 2 lần.

Các khu vực Đồng Bưởi, Đồng Rô, Đồng Vạc, Lâm Thao (Phú Thọ), hay Tam Hiệp, Thanh Trì (Hà Nội), hàm lượng các loại kim loại nặng như cu, pb, zn có xu hướng tích lũy và các hơn ngưỡng quy chuẩn cho phép 1,5 đến 2 lần. Tại khu vực sân bay Biên Hòa và một vùng lân cận phía Bắc và phía Tây Nam, lượng Dioxin cao trên 1.000 ppt (tiêu chuẩn đất cần xử lý của Việt Nam) với tổng diện tích 163.000m2…

“Nan giải nhất hiện nay là mới chỉ có khoảng 15% bãi chôn lấp chất thải rắn ở đô thị Việt Nam bảo đảm tiêu chuẩn. Nước rỉ từ các hầm ủ và bãi chôn lấp có tải lượng chất ô nhiễm hữu cơ rất cao, thông qua chỉ số bod và cod, cũng như các kim loại nặng như cu, zn, pb, al, fe, cd, hg. Nước rỉ sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm nguồn đất. Đất bị ô nhiễm trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua tiếp xúc trực tiếp với đất hoặc qua đường hô hấp do sự bốc hơi của chất gây ô nhiễm đất. Ngoài ra, các mối đe dọa tiềm tàng lớn hơn được đặt ra bởi sự xâm nhập của ô nhiễm đất vào tầng nước ngầm được sử dụng cho con người, đôi khi ở những khu vực dường như rất xa so với bất kỳ nguồn gây ô nhiễm rõ ràng trên mặt đất. Sức khỏe người dân đang bị đe dọa”- TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết.

Dẫn chứng số liệu nhỏ nhất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tại huyện Văn Lâm, Hưng Yên cho thấy, trong số 317 em được lấy mẫu xét nghiệm có 207 em (65%) bị nhiễm độc chì, cần phải điều trị thải độc. Nguồn gốc gây bệnh do khu tái chế chì tại Đông Mai thẩm thấu xuống lòng đất, ô nhiễm nặng không chỉ địa bàn, còn lan rộng ra đô thị xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng coi thường ô nhiễm môi trường đất