Đừng đẩy rủi ro cho người mua bảo hiểm

H.Vũ 30/03/2022 00:17

Ngày 29/3, các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Bảo vệ quyền và lợi ích của người mua bảo hiểm là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Trách nhiệm trong sử dụng thông tin

ĐB Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) cho rằng, dự thảo luật cần bảo đảm hài hòa hơn quyền lợi của người mua bảo hiểm. Theo đó cần quy định các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải chi tiết hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm. Đặc biệt, cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong việc sử dụng thông tin cá nhân của người mua bảo hiểm.

Liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của người mua bảo hiểm, ĐB Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cũng cho rằng cần bổ sung trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm, hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và đây phải là “yêu cầu bắt buộc” trong hợp đồng bảo hiểm. Lý do theo ông Tuấn là bởi mặc dù luật đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhưng thực tế cho thấy nếu hợp đồng bảo hiểm không có điều khoản về trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng và hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng thì sẽ có người mua bảo hiểm không biết, không hiểu do việc cung cấp thông tin, tư vấn cho người mua bảo hiểm chưa đầy đủ, cặn kẽ.

Theo ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (đoàn Tây Ninh), về chi phí hợp lý tại Điều 22 dự thảo luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại chi phí cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý trong hợp đồng bảo hiểm. “Tuy nhiên lại không nêu rõ “thế nào là chi phí hợp lý”? mà phụ thuộc vào sự thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”-bà Thúy nêu vấn đề.

Từ đó bà Thúy cho rằng “cần đưa chi phí hợp lý vào trong hợp đồng bảo hiểm để tránh trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm cố tình lược đi các chi phí không hợp lý, ép người mua bảo hiểm phải chịu”.

ĐB Đinh Ngọc Quý (đoàn Gia Lai) cũng nhìn nhận, áp dụng nguyên tắc rủi ro ngẫu nhiên không phải chỉ quy định về mặt pháp lý mà sẽ làm khó cả cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến sự thiệt thòi cho người mua bảo hiểm. Nhất là tại Điều 387 Bộ luật Dân sự cũng quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng. Theo đó, một bên không cung cấp đầy đủ thông tin cho bên kia mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

“Chúng ta không thể cân bằng giữa hai bên, song không chỉ tạo ưu thế cho doanh nghiệp bảo hiểm mà không đề cao trách nhiệm của bên bán bảo hiểm”- theo ông Quý.

Thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay?

Cùng ngày, các ĐB Quốc hội chuyên trách cho ý kiến vào dự án Luật Điện ảnh sửa đổi. Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, nếu ngay khâu đầu tiên tiếp cận với dịch vụ sản xuất phim, các tổ chức, cá nhân làm phim nước ngoài đã vấp ngay rào cản là phải cung cấp kịch bản phim đầy đủ thì sẽ dẫn đến việc họ không mặn mà với việc sử dụng dịch vụ.

“Lý do là kịch bản phim đầy đủ sẽ liên quan đến vấn đề bản quyền, đến ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, tránh bị copy ý tưởng. Sẽ ra sao nếu như phim chưa ra mắt khán giả mà ý tưởng kịch bản đã bị đánh cắp, sao chép”- bà Nga bày tỏ.

Đặt vấn đề “đến bao giờ chúng ta mới giải được bài toán thừa kịch bản yếu, nhưng thiếu kịch bản hay? thậm chí có những cuộc thi cũng chưa tìm được những tác phẩm xuất sắc để trao giải nhất?”, ĐB Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) đề nghị trong chính sách phải quan tâm đến khâu “ươm mầm” để tạo ra những kịch bản cho bộ phim hay trong giai đoạn tới.

Trả lời về vấn đề ĐB Nguyễn Thị Việt Nga nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định mong muốn có được kịch bản toàn diện như phương án của Cơ quan soạn thảo. Ông Hùng dẫn chứng gần đây bộ phim "Đồng cảm" do người Mỹ sản xuất, khi quay ở Việt Nam thì bối cảnh hoàn toàn phù hợp, nhưng khi chuyển sang quay ở Mỹ thì có nội dung không đúng và Việt Nam không cho phép lưu hành bộ phim này ở Việt Nam.

"Nếu chúng ta không nắm kịch bản tổng thể mà chỉ nắm phân khúc ở Việt Nam, thì sau này liên quan vấn đề an ninh chính trị, quốc phòng, an ninh, ai sẽ chịu trách nhiệm?" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc đầu tư phim trường, ông Hùng cho biết hiện nay Việt Nam chưa được đầu tư trường quay. Một số trường quay xây dựng nhân sự kiện 1.000 năm Thăng Long Hà Nội nhưng chưa phải là trường quay của Quốc gia. Vì thế đầu tư công của nhà nước giữ vai trò dẫn dắt để có được một trường quay hiện đại, không gian phù hợp, đầy đủ như một số quốc gia sẽ tạo điều kiện ban đầu để giúp cho ngành điện ảnh có điều kiện để phát triển.

Liên quan đến dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đề nghị dừng trích Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm để giảm bớt gánh nặng cho công ty bảo hiểm và người mua bảo hiểm, và nên giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của quỹ đúng mục đích ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng đẩy rủi ro cho người mua bảo hiểm