Cơn bão số 4 (Noru) đã khiến cuộc sống của người dân tại một số tỉnh miền Trung bị đảo lộn, hàng chục nghìn người đã phải di dời đến nơi an toàn. Ảnh hưởng của cơn bão cũng đã gây thiệt hại nặng nề ở nhiều nơi. Dẫu vậy, trong lúc khó khăn, nguy hiểm ấy, nhiều hoàn cảnh già cả, neo đơn đã được đón nhận những tình cảm vô cùng ấm áp.
Đêm dài ở nơi tránh trú
Ông Đào Quang Hưng - Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, để ứng phó với bão số 4 đổ bộ vào bờ, 480 hộ dân sinh sống tại khu vực nguy hiểm phải di dời đến nơi an toàn. Những ngày trước và trong bão, tại trường THCS Thuận An, trong số hàng trăm người đi tránh trú bão, có không ít người già cả, neo đơn hoặc hoàn cảnh gia đình hết sức đặc biệt.
Bà Lê Thị G. (78 tuổi, trú phường Thuận An) đã òa khóc ngay khi được lực lượng phục vụ tại điểm tránh trú bão tại trường THCS Thuận An tiếp nhận. Bà Nguyễn Thị Liễu (58 tuổi, trú phường Thuận An), tham gia công tác hậu cần tại khu tránh trú đỡ bà G. ngồi xuống, an ủi: “Mệ đến đây là an tâm rồi! Mệ đừng lo, đừng khóc. Mệ ăn gì chưa? Có đói không? Con lấy cơm cho mệ ăn nhé”.
Tuy đông con, nhưng bà G. sống neo đơn, khi mưa bão may nhờ có bà con chòm xóm nên cũng vơi đi phần vất vả.
Trong số đoàn người tới nơi sơ tán tránh bão, có cụ bà mái tóc đã bạc một tay cầm theo túi đồ cá nhân, tay còn lại cầm chặt tay người con gái đã lớn nhưng ngờ nghệch. Mọi người phục vụ tại khu tránh trú hỗ trợ bà và người con gái xách đồ, tìm chỗ nghỉ ngơi. Bà là Ngô Thị C., năm nay 74 tuổi, trú tại phường Thuận An. Con lớn của bà đi làm ăn xa, bà ở lại quê nhà hương hỏa cho ông bà, tổ tiên, phần vì còn phải lo cho người con gái “mãi không lớn”.
“Mỗi lần mưa bão, hai mẹ con tôi lại phải di dời tránh trú. Con trai tôi ở xa, con gái thì ngờ nghệch chẳng giúp được gì, tôi nay tuổi cũng đã cao nên việc dọn dẹp nhà cửa, di chuyển đến nơi tránh trú phải nhờ bà con lối xóm cả” - bà C. cho biết và nói thêm rằng với kinh nghiệm đã trải qua những trận bão, lụt lớn vào các năm trước nên việc đi tránh trú tại những nơi kiên cố, cao ráo như tại trường THCS Thuận An là an toàn. Đặc biệt, ở những chỗ như thế này luôn có lực lượng chức năng sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ nhu cầu của bà con khi họ cần.
Đêm, khi cơn bão số 4 đổ bộ vào, bà G., bà C. và những người dân đang tránh trú bão tại trường THCS Thuận An ngồi trò chuyện, mong cho bão mau qua. Ngoài trời gió mạnh, mưa ào ạt nhưng trong khu tránh trú mọi người mệt mỏi dần chìm vào giấc ngủ, chỉ còn lực lượng chức năng vẫn đi kiểm tra, đảm bảo an toàn cho người dân. Một đêm nín lặng chờ bão đã diễn ra thật dài. Dẫu vậy, với những người dân ở khu tránh trú ai ai cũng nở nụ cười vì họ đã an toàn.
Ông Lê Văn Duy - Hiệu trưởng trường THCS Thuận An cho biết, đối với những người dân không chủ động được phương tiện, lực lượng chức năng đã cử người và bố trí xe để chở họ về đến tận nhà. Phía nhà trường cũng cắt cử lực lượng để vệ sinh lớp học, khuôn viên để hoạt động trở lại từ ngày 29/9.
Khẩn trương khắc phục
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn làm hơn 8.000 nhà dân bị ngập, 13 hecta hoa màu bị hư hỏng, nhiều tuyến đường bị sạt lở, ách tắc. Nghiêm trọng hơn thế, cũng do ảnh hưởng bởi thiên tai, tính đến chiều 30/9, trên địa bàn tỉnh này đã có 7 người thiệt mạng.
Với những trận mưa xối xả, liên tục trong 2 ngày, dù đã chuẩn bị nhưng người dân nhiều nơi ở Nghệ An vẫn trở tay không kịp. Tài sản gắn với cuộc sống hàng ngày như lúa, ngô, lợn gà… đã bị cuốn trôi theo dòng lũ.
Tại “rốn lũ” xã Thanh Mỹ (huyện Thanh Chương), trong đợt lũ này có 3/6 xóm của xã với 350 hộ dân bị nước ngập nhà, nặng nhất là 2 xóm Mỹ Lương, Mỹ Hương. Một số xóm tuy không bị ngập nước nhưng vẫn bị lũ quét qua.
Ông Hoàng Tiến Thọ - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết: Toàn xã có 3/6 xóm bị ngập từ 0,5-3m, trong đó những hộ nằm gần sông Giăng bị ngập 2-3m, hiện trời hết mưa, nhưng nước rút chậm, bà con cũng đã trở lại nhà dọn dẹp sau lũ. Riêng tuyến đường chính từ Hạnh Lâm qua Thanh Mỹ vẫn đang bị cô lập. Anh Nguyễn Văn Thắng, xóm Mỹ Hương cho biết: So với đợt lũ năm 2020, đợt lũ này nhỏ hơn, nhưng vì nằm gần sông nên gia đình anh và nhiều hộ khác đều bị ngập sâu. “Mưa lớn, nước sông lại lên nhanh, khiến gần 1 tấn thóc của nhà tôi bị ngập trong nước, hư hỏng. Sau lũ, bùn đất lênh láng, ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng”- anh Thắng nói.
Tại thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc… cũng ghi nhận những thiệt hại nặng nề do mưa bão. Cụ thể, tại xã Quỳnh Lập, mưa lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Đơn cử như tại gia đình ông Nguyễn Bá Khiêm, trú thôn Đồng Tiến, xã Quỳnh Lập, một phần mái bên nhà bị sạt lở, gia đình ông rất lo lắng. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dùng cọc tre gia cố, vết sụt lún tại hộ ông Khiêm mới cơ bản được khống chế.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cho biết, thiệt hại do mưa lũ gây ra hết sức nghiêm trọng. Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão số 4 đã làm 7 người chết. Ông Nguyễn Văn H. (54 tuổi) trú xã Nghi Công Nam, huyện Nghi Lộc chết do đuối nước; anh Nguyễn Hữu H. (38 tuổi), trú xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương đi thả lưới bắt cá bị nước cuốn trôi; anh Nguyễn Văn T. (38 tuổi), trú xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu chết do đi bắt cá vào chiều 29/9; anh Trần Hữu Đ. (37 tuổi), trú xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn bị nước cuốn trôi khi đi bắt dế tại khu vực bãi sông; ông Bùi Văn Th. (58 tuổi) trú xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương bị đuối nước do thuyền lật khi đi đánh bắt cá trên sông Lam. Thương tâm nhất là cặp vợ chồng anh Nguyễn Văn A. (38 tuổi) trú xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc đang trên đường về nhà bị nước cuốn trôi.
Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, tỉnh Nghệ An có 8.139 hộ tại các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Yên Thành… bị ngập. 88 hộ phải di dời, 9 nhà thiệt hại trên 70%; 24 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 26 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Mưa lũ cũng gây thiệt hại 1.137,65 ha lúa; 5.837,63 ha hoa màu; 34.423 con gia cầm bị chết, cuốn trôi... Trên địa bàn toàn tỉnh có 27 điểm trường bị thiệt hại, 1 phòng học bị tốc mái, 150m tường rào trường học bị sập, nhiều đoạn đường bị ngập, sạt lở, đê, đập, mương bị vỡ, cầu cống bị hư hỏng, cuốn trôi. Hiện tại, đối với quốc lộ có 16 vị trí đang đóng đường, tỉnh lộ có 15 vị trí ngập, sạt lở taluy…
Hiện công tác khắc phục hậu quả sau lũ đang được chính quyền và người dân khẩn trương tiến hành, khắc phục khó khăn, đứng dậy sau bão lũ.
Bão số 4 gây triều cường làm bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) bị sạt lở nặng nề. Nhiều chỗ sạt lở tạo thành hàm ếch rộng từ 2 đến 5m và cao hơn 1m, nhiều cây dừa lâu năm cũng bị sóng biển đánh bật gốc nằm ngổn ngang cùng với hàng ngàn khối đất, đá được chủ nhà hàng đầu tư gia cố cũng bị đổ sập, sóng biển cuốn trôi ra khơi. Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, một đoạn bờ biển Cửa Đại dài gần 100m bị sạt lở, ăn sâu vào trong đất liền khoảng 4 đến 5m. Còn ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết dự kiến năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục triển khai dự án xây kè đê ngầm ở đoạn bờ biển Cửa Đại bị sạt lở, bơm cát vào trong đoạn bờ biển sạt lở để giữ không xói lở.
Cũng tại Quảng Nam, ngày 30/9, Thượng tá Lê Huy Bảy - Đồn trưởng Đồn Biên phòng La Êê (huyện Nam Giang) cho biết, trên địa bàn đã xảy ra vụ người đàn ông cố vượt qua sông Bung thì bị nước cuốn trôi mất tích. Đồn Biên phòng đã cử lực lượng phối hợp tổ chức tìm kiếm, đồng thời thông báo cho người dân dọc sông Bung biết và tham gia cứu hộ, cứu nạn.
T.Thành-C.Đại