Đứng dậy sau mưa lũ

An Hà 06/12/2021 06:20

Đợt mưa lũ bắt đầu từ ngày 29/11 cho tới ngày 3/12 đã khiến người dân các tỉnh Phú Yên, Bình Định chịu nhiều tổn thất cả về người và của, vật nuôi, cây trồng. Khi mưa ngớt, lũ cũng bắt đầu rút, các thủy điện bớt xả lũ, người dân cùng chính quyền địa phương đã bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả.

Tại Phú Yên, trong 2 ngày 4 và 5/12, lãnh đạo tỉnh đã tới những vùng bị ngập lụt nặng nhất để đánh giá tình hình, tìm cách hỗ trợ người dân cũng như thăm hỏi những gia đình không may có người thiệt mạng do lũ.

Kiểm tra hạ tầng vận hành, kênh mương dẫn nước thuộc hệ thống Thủy nông Đồng Cam, bà Cao Thị Hòa An - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên đề nghị Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan sớm triển khai các phương án khắc phục thiệt hại, đảm bảo cấp nước kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2021-2022.

Làm việc với UBND xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), bà An lưu ý chính quyền địa phương quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống các loại dịch bệnh sau mưa lũ; đồng thời triển khai khẩn cấp, kịp thời công tác cứu trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo phân phối cân bằng, không để ai thiếu ăn sau lũ. “Tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân địa phương tiếp cận nguồn giống, kịp thời tái sản xuất cho kịp lịch thời vụ” - bà An nói.

Trong buổi sáng ngày 5/12, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên cũng đã đến thăm hỏi trao tiền hỗ trợ cho các gia đình có người thân tử vong trong đợt mưa lũ vừa qua. 5 người bị nước cuốn trôi vào ngày 30/11, khi đi giúp họ hàng, người thân di chuyển đồ đạc, tài sản để tránh lũ.

Đáng chú ý, sau đợt mưa lũ, nhiều nơi ở Phú Yên người dân không còn lúa giống, áo quần, mùng mền, học sinh không còn vở sách, thiết bị học tập. Thiệt hại do lũ gây ra tại tỉnh này ước tính sơ bộ đến nay là 371 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, lũ lụt đã làm 9 người chết và mất tích. “Chúng tôi đã đề nghị Trung ương hỗ trợ cho Phú Yên 3.000 tấn gạo cứu đói, 1.500 tấn lúa giống, hỗ trợ tỉnh 350 tỷ đồng để khắc phục hậu quả đợt lũ lụt này” - ông Tùng cho biết.

Còn tại tỉnh Bình Định, tới nay nhiều khu vực dân cư tại huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn, trước đó bị ngập sâu nay đã hết bị cô lập, giao thông được kết nối. Trong đợt mưa lũ vừa qua, xã Cát Chánh (huyện Phù Cát) là nơi ngập sâu nhất. Có thời điểm trung tâm xã bị ngập sâu gần 2m. Một số khu vực dân cư vùng ven ngập sâu gần 3m, chia cắt nhiều ngày liền. Ngay sau khi lũ rút, người dân tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, bàn ghế, làm khô thóc lúa để buôn bán, kinh doanh trở lại và khôi phục sản xuất.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, lũ lụt những ngày qua gây nhiều thiệt hại cho các địa phương trong tỉnh. Toàn tỉnh có 3 người chết và 2 người bị thương; 20 ngôi nhà bị sập; trên 3 km kè, 30 km kênh mương, 8 km bờ sông bị sạt lở; trên 12 km đường giao thông bị hư hỏng. Cùng đó có 55 điểm trường bị ảnh hưởng do lũ lụt; gần 500 ha lúa và hoa màu bị hư hại, trên 76 ha ruộng bị sa bồi thủy phá, 400 con gia súc bị chết, trên 12.000 con gia cầm bị nước cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính 219 tỷ đồng.

Trước đó, trong đêm 29/11, mưa bắt đầu trút nước xuống nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định. Hàng ngàn hộ dân đã phải trắng đêm chạy lũ từ thượng nguồn đổ về. Thiệt hại nặng nhất là người dân dọc các sông Hà Thanh, Kôn, La Tinh, Lại Giang… Gần 20.000 học sinh không thể đến trường.

Mưa lũ đã qua, người dân vùng lũ Phú Yên, Bình Định đang nỗ lực khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các địa phương vùng lũ ngay lập tức cứu đói cho dân vì bà con vừa trải qua rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nay lại bị thiệt hại nặng nề bởi trận lũ lớn. Khẩn trương thống kê, đánh giá chính xác thiệt hại của dân chậm nhất vào ngày 6/12, sau đó chủ động áp dụng các chính sách hiện hành để hỗ trợ cho gia đình có người chết, nhà sập, hư hỏng, thiệt hại nông nghiệp và chăn nuôi do thiên tai… Riêng với học sinh bị lũ làm hư hỏng sách vở, thiết bị học tập, ngành tài chính phải tham mưu để tỉnh hỗ trợ cho học sinh sớm học tập trở lại.

Xuân Hiếu

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đứng dậy sau mưa lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO