Ngày 14/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi. Về chế tài xử lý, nhiều đại biểu đề nghị, cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định. Đồng thời quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác bạo lực gia đình, để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù.
Không biết cầu cứu ai? Cơ quan nào chịu trách nhiệm?
Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) vấn nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) đang diễn biến nghiêm trọng tinh vi, phức tạp. Do đó cần tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ. Bà Thủy chỉ rõ: “Thời gian qua đã cho thấy chúng ta có luật nhưng thực tế có hành vi BLGĐ xảy ra nhưng hỗ trợ cho người bị bạo lực chưa hiệu quả, người bị BLGĐ còn lúng túng, không biết rõ mình cần cầu cứu? cơ quan có trách nhiệm nào? Ở đâu đó còn xem nhẹ, coi đó là việc của gia đình nên “đóng cửa bảo nhau” và vô hình chung làm mất lòng tin của người bị bạo lực.
Theo bà Thủy, điều đó dẫn đến họ tiếp tục chịu đựng, hoặc phản vệ theo cách tiêu cực để chống trả lại hành vi BLGĐ và nhiều trường hợp chịu hậu quả nặng nề, như con giết cha mẹ, vợ chồng giết nhau do tâm lý bức xúc dồn nén. “Do vậy, luật cần chú trọng cơ chế phối hợp trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tổ chức. Vì BLGĐ đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành, địa phương, cơ quan trong việc hỗ trợ, tránh việc biện pháp không kịp thời, tương xứng với hành vi vi phạm dẫn đến người có hành vi vi phạm BLGĐ có tâm lý coi thường pháp luật”- bà Thủy kiến nghị.
Dẫn chứng theo điều tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2020 cho thấy: Có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; 90,4% phụ nữ bị bạo hành không tìm kiếm sự giúp đỡ. Còn theo báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, năm 2020, thì số trường hợp BLGĐ được xử lý bằng nhiều hình thức chỉ là 1.378, cho thấy Luật Phòng, chống BLGĐ chưa thật sự đi vào cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho rằng, một trong những khó khăn trong việc áp dụng luật là việc xác định mức độ vi phạm nào là hành vi BLGĐ. Quyền, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong gia đình đã được quy định rõ trong Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi. Do đó, vấn đề là làm sao để thực hiện các quyền và trách nhiệm đó.
Theo đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang), Điều 28 của dự thảo luật đã quy định quy trình xử lý, xác minh tin báo, tố giác về BLGĐ. Tuy nhiên quy định này còn nặng về thủ tục hành chính, trong khi hành vi BLGĐ là những hành vi có tính chất manh động, người bạo lực thường không kiềm chế được cảm xúc, hành vi, nhiều trường hợp dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Do vậy luật cần quy định ngay sau khi nhắn tin tố giác về BLGĐ, cơ quan có thẩm quyền cần xử lý ngay, căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ vi phạm, sắp xếp chỗ tránh nạn cho người bị bạo lực, sau đó mới tiến hành quy trình xử lý người bạo lực theo quy định.
“Bên cạnh đó cần quy định thêm chế tài cho trường hợp biết mà im lặng, không hành động, thực hiện tố giác theo quy định. Đồng thời cần quy định rõ về cách thức bảo vệ người báo tin tố giác BLGĐ để họ được an toàn, tránh trường hợp bị trả thù, qua đó khuyến khích người khác tích cực tham gia vào hoạt động phòng, chống BLGĐ”- bà Thư nói.
Còn đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn Thanh Hóa) đề nghị, bổ sung việc người bị bạo lực có thể báo tin đến nhóm phòng, chống BLGĐ để tiếp nhận tư vấn xử lý.
Nhiều trường hợp cố tình bạo hành để chiếm nhà
Đại biểu Nguyễn Trần Phương Trân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, luật hiện hành chỉ mới tập trung vào các biện pháp xử lý đối tượng gây BLGĐ bằng xử lý hành chính hoặc hình sự. Trong khi đó, để phòng ngừa và ngăn chặn BLGĐ có hiệu quả, biện pháp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của đối tượng này chưa được chú trọng.
Từ đó, bà Trân đề nghị bổ sung đối tượng được tư vấn về BLGĐ là những người có hành vi BLGĐ để đảm bảo nguyên tắc “lấy phòng ngừa là chính”. Bên cạnh đó, bổ sung vào dự thảo luật quyền của người bị BLGĐ là được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc giữa người có hành vi BLGĐ và người bị BLGĐ. Qua đó tránh tạo thêm gánh nặng tâm lý cho người bị bạo lực khi không nhất thiết phải tạm lánh đi.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, trong nhiều trường hợp thì người bị bạo hành lại phải tạm lánh đi nơi khác, trong khi người bạo hành lại sống trong chính ngôi nhà mình.
“Nhiều trường hợp người bạo hành cố tình gây ra hành vi bạo lực để chiếm nhà. Do đó, cần bổ sung vào dự thảo luật quyền của người bị bạo lực gia đình là được lựa chọn chỗ ở là chính ngôi nhà của họ trong trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc” - bà Mai nói.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng:
Xác định 18 hành vi cụ thể về bạo lực gia đình
Giải trình trước 21 ý kiến đại biểu phát biểu và 6 ý kiến đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Đây là luật khó, phạm vi rộng, có nhiều vấn đề liên quan đến quyền con người được Hiến pháp quy định, nhất là các luật có liên quan như: Luật Trẻ em, Luật Người cao tuổi, Luật Hôn nhân và gia đình.
Do đó làm sao vừa kế thừa, vừa phát huy luật mới là vấn đề không phải đơn giản. Về các hành vi bạo lực gia đình, Luật đã phân ra 4 nhóm lĩnh vực, nhất là bạo lực về tinh thần, tình dục là vấn đề khó.
Trong 4 nhóm này đã xác định 18 hành vi cụ thể. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu thêm ý kiến từ các đại biểu Quốc hội, chuyên gia...
Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh):
Cần có quy định bảo vệ trẻ em
Dự thảo luật hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống hòa giải, biện pháp truyền thông hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình.
Do đó trong dự thảo luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ. Cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông):
Không nên mở rộng phạm vi đối với trường hợp đã ly hôn, “chung sống như vợ chồng”
Người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ, chồng không được xác định là thành viên trong gia đình. Tuy nhiên quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Dự thảo Luật thực chất là mở rộng phạm vi áp dụng của hành vi bạo lực gia đình đối với đối tượng không phải là thành viên gia đình.
Vì vậy, phòng, chống bạo lực gia đình chỉ nên áp dụng trong phạm vi các quan hệ gia đình, không nên mở rộng đối với trường hợp đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng. Đối với trường hợp người đã ly hôn thì không còn phát sinh quan hệ hôn nhân, nếu có hành vi bạo lực thì sẽ do pháp luật về lĩnh vực khác điều chỉnh.