Giảm tối đa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí sản xuất là vấn đề được đặt ra tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đang được Quốc hội cho ý kiến. Nhất là đặt trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Sữa giả là điển hình của lơ là trong hậu kiểm
ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) cho rằng, không có quốc gia nào quy định người sản xuất kinh doanh công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trước khi sản xuất, kinh doanh, đưa hàng hóa ra thị trường như Việt Nam. Quy định công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sẽ không có ý nghĩa nếu quản lý, chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính, chi phí, thời gian vô lý cho doanh nghiệp (DN).
Theo ông Thanh: Thực sự đây là một khó khăn cho DN, gây tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước.
Ông Thanh phân tích, các cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy và các yêu cầu, điều kiện tiền kiểm trước khi đưa sản phẩm, hàng hóa vào sản xuất mà lơ là các biện pháp hậu kiểm. Còn người tiêu dùng lại bị đánh lừa bởi các chiêu bài quảng cáo là chất lượng và an toàn sản phẩm đã được công nhận bởi bộ nọ, ngành kia. “Bài học của vụ sữa giả kém chất lượng vừa qua là điển hình của việc lơ là trong hậu kiểm” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, cách thức công bố chất lượng và chế độ kiểm tra sản phẩm, hàng hóa hiện chưa phù hợp với yêu cầu quản lý và hội nhập quốc tế. Vì vẫn yêu cầu người sản xuất, kinh doanh phải công bố hợp quy sản phẩm, “ném tiền qua cửa sổ” cho các tổ chức chứng nhận và phòng thí nghiệm. Đây là một điểm nghẽn của những điểm nghẽn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và sản phẩm hàng hóa của Việt Nam hiện nay.
Theo ĐBQH Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh), hiện nay có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm DN thành viên và VCCI đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học để phân tích, đánh giá và đưa ra kiến nghị: bãi bỏ quy định về công bố hợp quy.
“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không có quốc gia nào trên thế giới lại áp dụng quy định công bố hợp quy như Việt Nam; vậy, chúng ta cần nghiêm túc tiếp thu và bãi bỏ quy định này” - bà Vân nêu quan điểm đồng thời cho rằng trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp và có tính cạnh tranh cao đã được xác định trong các Nghị quyết của Đảng; đặc biệt là Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Do vậy, cần bãi bỏ hẳn quy định về công bố hợp quy.
Lãng phí thời gian, tiền bạc, cơ hội
ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) cũng cho rằng, thực tế cho thấy để thực hiện công bố hợp quy, DN phải tốn kém chi phí không ít cho việc kiểm nghiệm mẫu, chưa kể đến thời gian phải chờ đợi được đăng ký, được tiếp nhận bản công bố. Những gánh nặng này trực tiếp gây lãng phí về thời gian, tiền bạc và làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi thế cạnh tranh của các hàng hóa mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam” và làm lỡ mất nhiều cơ hội kinh doanh quý báu của các doanh nghiệp, nhất là đối với DN vừa và nhỏ.
“Việc bãi bỏ quy định công bố hợp quy không chỉ giúp cho chúng ta hài hòa với thông lệ quốc tế mà quan trọng hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi thực chất cho DN phát triển, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng như các chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về cải cách thể chế, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, coi xuất nhập khẩu là động lực quan trọng trong phát triển đất nước” - bà Bé kiến nghị.
Bà Trần Thị Vân cho hay, chỉ để hoàn tất thủ tục công bố hợp quy cho một sản phẩm, DN phải chi trả trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới 15 đến 30 triệu đồng. Thủ tục này phải tái thực hiện 3 năm một lần, tạo ra một chu kỳ lãng phí liên tục. Đơn cử với một nhà máy có khoảng 300 đến 500 sản phẩm thì chi phí có thể đội lên tới 1,5 đến 2 tỷ đồng. Ngoài ra mỗi sản phẩm lại chỉ được công bố hợp quy cho duy nhất một nhà máy. Đồng nghĩa với việc một DN có nhiều cơ sở sản xuất thì phải lặp đi lặp lại thủ tục vô lý này và gây ra lãng phí một cách có hệ thống, không chỉ tiêu tốn về chi phí, công bố hợp quy còn làm chậm trễ chu trình sản xuất và phân phối, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tiếp cận thị trường của hàng hóa made in Việt Nam.
“Vậy tại sao chúng ta lại tiếp tục duy trì một thủ tục gây lãng phí quy mô lớn và vô hình trung trở thành giấy phép con trá hình, trái ngược hoàn toàn với tinh thần cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi?”- bà Vân đặt vấn đề đồng thời nhận xét: chính sự phiền hà này khiến nhiều đối tác quốc tế e ngại, thậm chí từ chối giao dịch với các DN Việt Nam.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) nêu dẫn chứng: Đơn cử như trong trường hợp sản xuất bao bì thực phẩm, các DN sản xuất bao bì vốn không trực tiếp sản xuất thực phẩm nhưng lại phải chịu chi phí thử nghiệm mẫu trên từng lô, từng mã theo quy chuẩn Việt Nam về vật liệu tiếp xúc với thực phẩm. Đây là một chi phí khổng lồ trong khi trách nhiệm chính về an toàn sản phẩm cuối cùng lại thuộc về các nhà sản xuất thực phẩm, có nghĩa là các DN sản xuất thực phẩm sẽ đưa yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng đối với bao bì đối với các nhà cung ứng.
Do đó, theo bà Tú Anh, Nhà nước cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm một cách hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước cần chuyển mạnh sang vai trò kiến tạo, điều phối, hỗ trợ và ban hành thay vì “ôm đồm” như hiện nay. Chính những người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu mới là những người thấu hiểu sâu sắc nhất nhu cầu của thị trường và xu thế công nghệ trên thế giới.