“Khi trẻ bị xâm hại lại đưa quá chi tiết về bí mật đời sống riêng tư, thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ lên mạng xã hội, báo chí như vậy vô tình làm hại đứa trẻ thêm một lần nữa”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), nhận định.
Ảnh: minh họa.
Nhiều quy định cụ thể sắp có hiệu lực
Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội thông qua tháng 4/2016, có hiệu lực từ 1/6/2017.
Luật quy định quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư…
Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Trẻ em 2016 cũng đang được hoàn thiện, trong đó quy định chi tiết về nội hàm của khái niệm “thông tin về đời sống riêng tư của trẻ em” bao gồm:Thông tin về tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về sức khỏe, hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại, địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè…
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Luật Trẻ em có hiệu lực thì việc đưa hình ảnh của trẻ lên môi trường mạng mà không được sự đồng ý của trẻ là hành vi xâm phạm đời sống riêng tư và bị xử lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật Trẻ em 2016 quy định rõ về các hành vi xâm hại Trẻ em, trong đó đề cập cụ thể vấn đề bảo vệ quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ. Đặc biệt nghiêm cấm các hành vi tiết lộ bí mật riêng tư trên môi trường mạng.
Ông Nam cho rằng, thời gian vừa qua nhiều người đã hiểu không đúng về việc này và nghĩ rằng nếu cha mẹ đưa hình ảnh của trẻ lên mạng xã hội là vi phạm và có thể sẽ bị đưa ra tòa. Tuy nhiên, như vậy là hiểu một cách phiến diện không đầy đủ và cần phải biết việc đưa hình ảnh như thế nào thì bị xử lý. “Việc đưa ra quy định như trong luật không có nghĩa là làm khó cho các bậc cha mẹ”, ông Nam nói.
Luật sư Quách Thành Lực-Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết theo quy định Luật trẻ em 2016 thì cha mẹ hay người chăm sóc trẻ thuộc đối tượng phải có trách nhiệm bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư. “Những hình ảnh có biểu hiện nhạy cảm, bộc lộ thân thể quá đà, xúc phạm danh dự, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sự phát triển của trẻ em rõ ràng được xác định là xâm phạm đời sống riêng tư.
Ngoài ra, cũng cần xem xét động cơ, mục đích của người đăng tải hình ảnh trẻ em để xác định đâu là hành vi xâm phạm đời sống riêng tư của trẻ” - luật sư Lực cho biết.
Về việc xử lý hành vi xâm hại trẻ, theo luật sư Lực, sau khi Luật trẻ em 2016 có hiệu lực, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật, Nghị định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Khi những nghị định này ra đời thì sẽ xác định cụ thể hành vi như thế nào là xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam.
Thông tin của trẻ bị đưa quá nhiều lên mạng
Cũng theo ông Đặng Hoa Nam, hiện nay một số cha mẹ đưa quá nhiều thông tin, hình ảnh của con lên mạng, dễ dẫn đến tội phạm lợi dụng những thông tin như trường lớp, đặc điểm cá nhân… để thực hiện hành vi vi phạm.
Đã có rất nhiều vụ buôn bán trẻ em, xâm hại tình dục được khai thác thông tin từ mạng xã hội. Thủ phạm thường lợi dụng mạng xã hội gạ gẫm online sau đó offline để thực hiện hành vi xâm hại tình dục…
“Ở Việt Nam có không ít những trường hợp như vậy. Tôi lấy ví dụ có trường hợp nam thanh niên từ Hà Nội đi vào Đà Nẵng gạ gẫm bé gái 15 tuổi xâm hại tình dục. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải học cách bảo vệ trẻ trong thời đại công nghệ thông tin phát triển và nguy cơ trẻ bị xâm hại càng tăng lên và phức tạp hơn. Cha mẹ cũng cần có ý thức cảnh giác phòng ngừa xâm hại trẻ ở bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào và giám sát con em mình càng nhiều càng tốt thì mới hiệu quả”, ông Nam chia sẻ.
Ngoài ra, ông Nam cũng nhấn mạnh, thời gian gần đây nhiều vụ xâm hại trẻ bị đưa thông tin lên báo chí, mạng xã hội nhưng chưa chắc những người đưa thông tin đó đã hiểu biết hết quy định của pháp luật, kiến thức bảo vệ trẻ em.“Mạng xã hội, thậm chí là báo chí đưa quá chi tiết về bí mật đời sống riêng tư, thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ của trẻ như vậy vô tình làm hại đứa trẻ thêm một lần nữa”, ông Nam nói.
Ông Nam lý giải, về nguyên tắc trẻ em còn quãng đời phát triển rất dài về sau này. Do vậy, khi trẻ bị xâm hại thì không nên đưa lên phương tiện thông tin đại chúng một cách quá chi tiết, rộng rãi sẽ làm ảnh hưởng ngay tức thì đến trẻ như áp lực xã hội dị nghị, bình luận, bàn tán làm bản thân trẻ dễ bị mặc cảm thêm một lần nữa.
“Trong Luật trẻ em 2016 cũng quy định rõ mọi người đều phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em bất kể các hành vi xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục.Tuy nhiên, việc tố cáo như thế nào, tố cáo cho ai và vào thời điểm nào cần có sự hiểu biết để đưa được kẻ xâm hại trẻ ra trước pháp luật đồng thời bảo vệ được đứa trẻ, trong khi vấn đề xâm hại trẻ em trên mạng ngày càng phổ biến, có thể là do người sử dụng mạng như cha mẹ, trẻ em và giới trẻ hiện nay chủ quan khi tham gia môi trường mạng. Tội phạm xâm hại trẻ em thì lợi dụng môi trường mạng để phạm tội như trộm cắp, lừa đảo, xâm hại tình dục, phát tán các hình ảnh nhạy cảm” - ông Nam nói.
“Mạng xã hội, thậm chí là báo chí đưa quá chi tiết về bí mật đời sống riêng tư, thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ của trẻ em như vậy vô tình làm hại trẻ thêm một lần nữa”. Ông Đặng Hoa Nam |