Pháo sáng đã trở thành tâm điểm ngay vòng 1 V-League 2018, và cái cách mà Ban kỷ luật VFF xử lý sự cố pháo sáng có thể sẽ tạo nên tiền lệ. Đừng coi thường sự nguy hiểm của pháo sáng, và người đốt nó lên, cũng cần phải bị xử lý nghiêm khắc.
Trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng ở vòng 1 V-League được dự đoán là rất nóng, từ dưới sân đến các khán đài. Thực tế cho thấy trong mỗi lần đi cổ vũ trên sân Hàng Đẫy, CĐV Hải Phòng đều rất quậy phá, và lần này họ đã để lại hình ảnh không đẹp ngay trong trận mở màn mùa giải.
Hàng chục quả pháo sáng đã được đốt lên phía ngoài sân, chưa hết, các CĐV quá khích Hải Phòng còn mang vào sân và đốt pháo sáng trong suốt trận đấu, tới hơn 30 quả. Đỉnh điểm là ở những phút bù giờ cuối cùng của trận đấu (5 phút bù giờ), một cơn mưa pháo sáng đã được các CĐV đất Cảng ném xuống sân, khiến sân Hàng Đẫy mù mịt khói.
Để đảm bảo an toàn cho các cầu thủ, trọng tài Duy Lân đã quyết định thổi còi kết thúc trận đấu sớm trước hơn 1 phút, trong sự la ó của các CĐV đội khách.
Phát biểu sau trận đấu, HLV Trương Việt Hoàng của Hải Phòng ngán ngẩm: “Thực sự tôi không mong điều đó xảy ra. Tôi hy vọng những trận tới sẽ không tái diễn tình trạng này”.
Chủ tịch HĐQT công ty VPF Trần Anh Tú cũng đã nêu quan điểm, trong đó nhấn mạnh việc kêu gọi ý thức CĐV giữ “sân chơi” cho bóng đá Việt Nam. Ông Tú nói: “Khi mà hình ảnh và chất lượng chuyên môn của giải đấu ngày càng đi lên, các CĐV đến sân cần nâng cao ý thức rằng đây là cuộc chơi để phục vụ nhu cầu thưởng thức của chính các bạn. Đừng phá hỏng và đừng để ai khác phá hỏng cuộc chơi này và làm ảnh hưởng đến đến chính mình”.
“Chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ và hợp tác của những cổ động viên chân chính tại Hải Phòng cũng như trên toàn quốc. Đã đến lúc chúng ta cần phải thể hiện tình yêu, sự quan tâm và trách nhiệm của mình bằng những việc làm thiết thực mà trước tiên là đấu tranh lại những hành vi quá khích từ khán đài”, người đứng đầu VPF mong mỏi.
Quan điểm của VPF là ngoài việc mong muốn CĐV có ý thức chuyên nghiệp, thì Ban kỷ luật VFF cũng cần phải có án phạt nặng tay để dăn đe. Nhưng điều đó đã không được thực hiện.
Ngày15/3, Ban kỷ luật VFF đã ban hành quyết định xử phạt với CLB Hải Phòng và ban tổ chức sân Hàng Đẫy, do để xảy ra tình trạng ném pháo sáng xuống sân ở trận đấu ngày 11/3. Theo đó, CLB Hải Phòng bị phạt 20 triệu đồng do để CĐV đốt pháo sáng trong sân. Bên cạnh đó, Ban tổ chức trận đấu của CLB bóng đá Hà Nội cũng bị phạt 20 triệu đồng, do lực lượng an ninh kiểm soát quá lỏng, để xảy ra tình trạng CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trong sân.
Như vậy là không có án phạt nặng nào được Ban kỷ luật VFF đưa ra với CĐV Hải Phòng. Điều đáng nói là CLB Hải Phòng lại chính là người phải nhận án phạt tiền, dù không liên quan trực tiếp tới hành vi đốt pháo sáng của CĐV đất Cảng.
Không có án phạt nặng tay, chẳng ai đảm bảo pháo sáng sẽ lại không tiếp tục được đốt lên bởi CĐV Hải Phòng. Pháo sáng vốn rất có ích, khi được tạo ra để trở thành một công cụ báo tín hiệu trong trường hợp gặp nạn trên biển hoặc đất liền. Nhưng giờ thì pháo sáng xuất hiện trong các trận bóng, và đó là điều hết sức nguy hiểm.
Với nhiệt độ dao động từ 200 độ C đến 3000 độ C, pháo sáng dễ dàng đốt cháy mặt cỏ ở các SVĐ, gây hỏa hoạn trên các khán đài, dễ làm các CĐV và cầu thủ bị ngạt thở bởi khói.
Lực lượng cảnh sát hay cứu hỏa khẳng định pháo sáng chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp, không được thiết kế để dùng ở chốn đông người vì có thể gây cháy hoặc làm bị thương những người xung quanh.
Ở Việt Nam, chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp nào bị thương bởi pháo sáng trong trận đấu bóng đá. Thế nhưng, trên thế giới, có không ít những tai nạn đáng tiếc vì pháo sáng. Và, tất cả sẽ phải giật mình, khi hầu hết các vụ tai nạn từ pháo sáng đều bỏng nặng, thậm chí thiệt mạng.