Đúng giờ là một đức hạnh

Trần Hữu Thăng 02/10/2020 09:00

Đúng giờ là một đức hạnh”. Đó là lời dạy của cụ giáo Phong cách đây đã hơn 60 năm tại trường Chu Văn An (tức trường Bưởi cũ ở Hà Nội).

Đúng giờ là một đức hạnh”. Đó là lời dạy của cụ giáo Phong cách đây đã hơn 60 năm tại trường Chu Văn An (tức trường Bưởi cũ ở Hà Nội). Những ai đã được nghe lời dạy ấy thì nay đã sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng ai cũng vẫn nhớ mãi và không bao giờ dám quên lời cụ giáo dạy ngày ấy.

Theo Từ điển tiếng Việt: “Đức là: 1/ Cái biểu hiện tốt đẹp của Đạo lý trong tính nết, tư cách, hành động của con người. Thí dụ: Vừa có tài vừa có đức. 2/ Tính tốt hợp với đạo lý, còn gọi là Đức tính. Thí dụ: Cái đức chịu thương chịu khó”. “Đức hạnh là: Đạo đức và tính nết tốt. Thí dụ: Thầy A là người có đức hạnh”.

Qua định nghĩa trên của Từ điển tiếng Việt và qua lời dạy của cụ giáo Phong ta thấy khái niệm “đúng giờ” là một khái niệm vô cùng lớn lao và rất khó thực hiên. Nếu ai không chịu tập luyện đúng giờ từ nhỏ, từ trong gia đình sẽ rất khó hòa nhập với trường học, với cơ quan, nhà máy và các môi trường xã hội khác.

Năm 1978, tức là cách đây đã 42 năm, lần đầu tiên tôi được dự một khóa học về Giải phẫu bệnh lý - Pháp y tại La Habana – Cu Ba. Lớp học có nhiều bác sĩ đến từ nhiều nước. Giáo sư Borrajero, Giám đốc bệnh viện Calixto Garcia là bệnh viện lớn nhất của Cu Ba, là nhà Giải phẫu bệnh lỗi lạc của châu Mỹ Latinh trực tiếp giảng dạy. Bài giảng đầu tiên của ông tại giảng đường lớn Đại học La Habana là bài học “Đúng giờ”. Bài viết này xin tóm tắt lại một vài cách suy nghĩ về Đúng giờ của các nhà khoa học.

Theo Từ điển tiếng Việt trang 314 thì: “Đúng giờ là: con số hoặc thời gian đã nêu ra, không hơn không kém, không sai chút nào, phải phù hợp với yêu cầu khách quan hoặc phù hợp với những điều đã quy định. Thí dụ: Đúng 8 giờ khai mạc. Phải có mặt đúng giờ. Đồng hồ này chạy rất đúng giờ”.

Theo giáo sư Borrajero thì có 2 loại đúng giờ: 1/ Đúng giờ tuyệt đối và 2/ Đúng giờ tương đối.

Đúng giờ tuyệt đối: Trong các khoa học chính xác như: Nghiên cứu vũ trụ, Thiên văn học, Vật lý chính xác..., trong Y học như Pháp y, Phẫu thuật ngoại khoa... rất cần đúng giờ tuyệt đối.

- Các cuộc khám nghiệm tử thi cần chạy đua với thời gian. Nếu chậm các dấu vết quý giá sẽ mất và việc tìm ra kẻ giết người sẽ rất khó khăn.

- Các cuộc truy tìm dấu vết tội phạm qua đường hàng không, đường bộ, đường thủy càng chậm càng khó thu được kết quả.

- Các cuộc mổ xẻ, ghép tạng lớn phải phối hợp nhiều chuyên ngành càng cần phải hết sức đúng giờ, đúng liều lượng thuốc, chính xác với cái nhìn thấy, cái sờ thấy, cái cảm nhận thấy và không được bỏ sót bất kỳ một dấu hiệu nào dù bình thường hay không bình thường.

- Trong việc ghi biên bản khám nghiệm, biên bản cuộc mổ phải ghi “đúng giờ”, “đúng phút”, đúng thời gian ngừng thở hoặc thời gian phục hồi của bệnh nhân thì mới rút được kinh nghiệm về loại thuốc và liều lượng sử dụng, về máy móc trang thiết bị và con người sử dụng chúng.

Về khái niệm đúng giờ tuyệt đối, giáo sư Borrajero thích nhất câu danh ngôn của Pháp: “Thời giờ mất đi chẳng bao giờ tìm lại được”.

Đúng giờ tương đối: Đây là một nội dung rất phong phú, chiếm đến 90% các sinh hoạt đời thường của đời sống hiện đại với công nghiệp hóa, trí tuệ nhân tạo, robot hóa, tăng cường giao dịch online trong nhiều hoạt động như: giáo dục, đào tạo, mua bán, khám chữa bệnh, giải trí, cờ bạc...

Tạm chia ra các loại như sau:

- Đúng giờ trong lớp học, hội nghị, hội thảo, làm việc nhóm...

- Đúng giờ trong xuất phát đi công việc: Đi máy bay (đi cá nhân hay tập thể), đi tầu hỏa, đi ô tô...

- Đúng giờ trong các việc hiếu, việc hỷ: tức là tham gia vào tang lễ, phúng viếng, lễ kỷ niệm danh nhân, đám hỏi, đám cưới...

Tùy theo từng hoàn cảnh, nhưng với tất cả các loại sinh hoạt mang tính cộng đồng như trên cần lưu ý:

+ Bao giờ cũng đến sớm trước từ 5 phút đến 15 phút (thà chờ một chút còn hơn chậm do tắc đường, mưa gió không lường trước được).

+ Không bao giờ được chậm quá 5 phút so với giờ quy định.

Có mấy nhận xét về người luôn đúng giờ và người luôn không đúng giờ như sau: Người luôn đúng giờ luôn được mọi người, cả cấp trên lẫn cấp dưới yêu mến, tin tưởng, có cảm tình và sẵn sàng chỉ bảo, giúp đỡ, thậm chí được bỏ qua các sai sót nhỏ. Vì sao? Vì người luôn đúng giờ là người biết tôn trọng, kính trọng giờ giấc của mình và của người khác, của tập thể, của cộng đồng. Cần luôn ghi nhớ là khi mình để người khác phải chờ mình là một điều tồi tệ cho chính bản thân mình. Ta thử hình dung: khi xe ô tô đã nổ máy, sắp chạy theo đúng giờ quy định, nhưng phải nấn ná thêm 5 phút rồi 10 phút để chờ một hai người đến muộn. Đến khi những người đến muộn tới, cả xe lên án om xòm, có người nói nặng lời có phải đã gây cảm xúc âm tính cho cả tập thể không.

Tạm nhận xét như sau:

Người đúng giờ: Có lòng tự trọng. Biết tôn trọng người khác. Dễ gây được cảm tình với người khác.

Người không đúng giờ: Không có lòng tự trọng. Không biết tôn trọng người khác. Không dễ gây được cảm tình với người khác.

Trong cuộc sống có nhiều khó khăn vất vả mà ta biết bày tỏ được lòng tôn trọng mọi người, được nhiều người có cảm tình với mình do mình có thói quen luôn đúng giờ thì chẳng phải đáng quý lắm sao! Đến đây ta đã hiểu rõ thêm lời dạy của cụ giáo Phong: Phải có đức hạnh mới luôn đúng giờ!

Phân tích thêm một số dẫn chứng về tầm quan trọng của việc đúng giờ, tức là biết cách tôn trọng và quý từng giờ từng phút của đời mình và của người khác trong cuộc sống hàng ngày, nhà triết học Charaux đã dạy: “Trong công việc hàng ngày, thời gian là người trợ giúp quan trọng. Dù ai có tài giỏi thế nào mà không biết quý thời gian thì cũng không xong”.

Những danh ngôn khác tương đồng với ý tưởng của Charaux cũng đều nêu lên các suy nghĩ như: Thời gian là vàng bạc, Thời giờ đã mất đi rồi sẽ làm ta hối tiếc mãi mãi vì không bao giờ tìm lại được. Triết gia Louis Bourdaloue (1632 – 1704) đã khẳng định giá trị tuyệt đối của thời gian khi ông viết: “Không có gì quý giá bằng thời giờ, vì chính nó là cái giá trị của sự vĩnh viễn“.

Những dẫn chứng trong đời thường:

- Tổ chức Văn hóa và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã tổng kết rất chắc chắn: "Đúng giờ đi họp, đúng giờ hội nghị, hội thảo, đúng giờ lên máy bay, đúng giờ máy bay cất cánh và hạ cánh ... là văn hóa, là giáo dục chứ không còn là các quy định về hành chính, thương mại, giao thông nữa“.

- Một số huấn luyện viên châu Âu than phiên các cầu thủ ở Đông Nam Á đi tập muộn và lười tập thể lực, hay kêu ca phàn nàn khi phải tập luyện đúng giờ, đúng bài bản.

- Tất cả các giấy mời, giấy triệu tập đều luôn ghi rõ: Yêu cầu có mặt đúng giờ, trang phục lịch sự. Nếu không đến dự được cần phúc đáp trước qua số điện thoại sau hoặc với ông X trong ban tổ chức.

Hạnh phúc thay cho những ai luôn luôn đúng giờ để đạt được thành công trong cuộc sống và được hưởng sự yêu mến của cộng đồng!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đúng giờ là một đức hạnh