Lợi dụng dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm lý lo lắng của người dân, nhiều tổ chức, cá nhân đã công bố những sản phẩm, những bài thuốc, những mẹo vặt có tác dụng kháng virus sai sự thật.
Cẩn trọng với thực phẩm chức năng
Thông tin từ bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngay từ đợt dịch đầu tiên cho đến đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, Cục đã liên tục có các cảnh báo không có loại thực phẩm chức năng nào (gồm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học) có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị Covid-19 và đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo sai quy định. Tuy nhiên, vẫn còn những tổ chức, các nhân lợi dụng bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã có hành vi tự công bố sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm phòng chống được Covid-19.
Trong tháng 8/2021, Cục An toàn thực phẩm đã cảnh báo nhiều trường hợp sản phẩm bảo vệ sức khoẻ xuất hiện trên thị trường, hay quảng cáo trên facebook có tác dụng điều trị Covid-19 như viên uống Xuyên Tâm Liên CV19, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Xuyên Tâm Liên CV19 đều ghi trên bao bì có công dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp. Hay trường hợp sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Viên Nano Xuyên Tâm Liên hành đen được quảng cáo là vị thuốc phòng ngừa và điều trị Covid-19...
Và còn rất nhiều trường hợp khác đang được các cơ quan chức năng xác minh, xử lý.
Cần có tư vấn từ nhân viên y tế
Vẫn theo bà Trần Việt Nga: Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng hay thực phẩm bảo vệ sức khoẻ nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19 và không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.
Được biết, để ứng phó với tình hình nói trên, Cục An toàn thực phẩm có văn bản yêu cầu sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát việc tự công bố, ghi nhãn và quảng cáo sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19. Sở Y tế các địa phương và Ban Quản lý An toàn thực phẩm cần rà soát toàn bộ việc tự công bố sản phẩm có thành phần Xuyên Tâm Liên và các sản phẩm ghi công dụng, đối tượng sử dụng liên quan đến phòng, điều trị hoặc chữa được bệnh do Covid-19 và yêu cầu thu hồi sản phẩm vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai quy định, phong trào chia sẻ các bài thuốc, các mẹo chữa Covid-19 cũng nở rộ trên mạng xã hội. Nhiều bài thuốc được chia sẻ trên mạng với tốc độ lan truyền rất nhanh không hề có tác dụng, và thậm chí có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người dùng.
Mới đây nhất là thông tin dùng địa long - giun đất tươi để chữa Covid-19 mặc dù được nhiều chuyên gia cảnh báo là phương thức rất có hại. PGS.TS Phạm Vũ Khánh - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền cho rằng: Những người nhiễm Covid-19 dùng địa long tươi thì bệnh càng nặng thêm. Đây là phương pháp cần nghiêm cấm sử dụng.
Không những thế, đã có trường hợp ghi nhận được phải nhập viện cấp cứu do tin dùng các bài thuốc lan truyền trên mạng xã hội. Cụ thể là Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc do lạm dụng thuốc hạ sốt paracetamol để chữa Covid-19. Một ví dụ khác, bé gái tại TP HCM đã phải nhập viện vì bỏng nặng do gia đình dùng phương pháp xông hơi với chanh, sả, gừng để điều trị khi có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19.
Theo BS Vũ Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, để điều trị Covid-19 cần sự chăm sóc, theo dõi sát sao của các nhân viên y tế, người dân tự ý áp dụng các phương pháp không được kiểm chứng dễ dẫn tới việc các bác sỹ vừa phải điều trị Covid-19, lại vừa phải điều trị những hậu quả đó khiến việc hồi phục càng thêm lâu dài và khó khăn. Người dân cần cân nhắc kỹ càng, suy xét đúng sai trước khi hành động theo những thông tin trên mạng xã hội, hay của những “bác sĩ google”, đừng đánh cược sức khoẻ của bản thân và gia đình chỉ vì những nguồn thông tin không chính thống. Mọi thông tin về Covid-19 nói riêng hay về sức khoẻ nói chung, cần tham khảo từ những nguồn thông tin chính thống tại cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo BS Vũ Văn Tiến, những thông tin thiếu khoa học và thiếu kiểm chứng này được bung ra nhằm mục đích kích thích sự tò mò, “câu view” bạn đọc để thu hút quảng cáo, bán sản phẩm nhằm thu lợi bất chính và bất chấp sức khoẻ cộng đồng.