Tối 10/10, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã quyết định thí điểm khôi phục xe khách liên tỉnh từ ngày 13 đến 20/10 với tối thiểu 5% và tối đa 30% số chuyến trong ngày, hành khách ngồi giãn cách. Theo đó, với hành khách từ địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương có nguy cơ tương đương, hoạt động vận tải được tổ chức bình thường.
Cùng ngày 10/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng ký Công điện số 1322/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Công điện nêu rõ, việc khôi phục các hoạt động vận tải hành khách trong tình hình hiện nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, vừa bảo đảm phục hồi sản xuất kinh doanh, nhu cầu đi lại của người dân, vừa bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, để từng bước khôi phục hoạt động vận tải hành khách một cách thận trọng, an toàn, hiệu quả.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 với các địa phương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, địa phương không ban hành giấy phép con, không cát cứ, chia cắt.
Công điện của Thủ tướng được xem như “cánh cửa mở” cho hoạt động giao thông. Hiện một số đường bay đã được vận hành trở lại từ ngày 10/10 và bắt đầu từ ngày mai (13/10) vận tải hành khách đường bộ sẽ chính thức được thí điểm mở lại nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Giao thông vận tải được xem là “huyết mạch” của nền kinh tế. Bởi vậy, đón nhận thông tin này, hầu hết người dân đều phấn khởi vì sẽ được hoạt động đi lại, về quê… khi thực hiện tốt các yêu cầu phòng dịch.
Trong bối cảnh đó, việc tiêm vaccine là yếu tố quan trọng để cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường. Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine cho người dân... Nhiều chuyên gia cho rằng việc tiêm vaccine không chỉ giúp bảo vệ người dân khỏi lây nhiễm bệnh mà còn để người dân có nhiều quyền hơn về di chuyển và hoạt động. Nhưng nếu các địa phương có cách xử lý không thống nhất, nơi nới lỏng, nơi “buộc chặt” sẽ gây khó khăn, phức tạp cho quá trình lưu thông, vận hành. Và nếu người đã tiêm 1 hay 2 mũi vaccine cũng không khác gì người chưa tiêm thì rất lãng phí nỗ lực và chi phí để tiêm vaccine.
Theo các chuyên gia y tế, người dân vẫn có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiêm đủ hai mũi vaccine và kể cả trong trường hợp tiêm đủ 2 mũi vaccine cho toàn dân thì nguy cơ xuất hiện các ca cộng đồng, thậm chí một vài ổ dịch là vẫn có. Song người mắc Covid -19 sẽ có triệu chứng nhẹ, dễ phục hồi tại nhà và nguy cơ tử vong thấp.
Dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng qua đã gây vô vàn khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt đời sống, xã hội. Việc các tỉnh, thành thận trọng trong việc mở cửa là đúng, bởi nếu sơ xuất rất có thể thành quả chống dịch của cả hệ thống đổ vỡ, gây tốn kém sức người, sức của… Song việc ngăn chặn giao thông không phải là phương pháp tuyệt đối để phòng dịch bệnh. Với một số tỉnh thành có độ phủ vaccine cao, nếu quá thận trọng việc mở lại các tuyến giao thông sẽ khiến kế hoạch khôi phục đi lại trên toàn quốc gặp trở ngại ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi kinh tế.