Những ngày qua, trên mạng xã hội dấy lên nhiều thông tin về việc cán bộ tại các địa phương ở Thanh Hóa vận động, thậm chí ép buộc người dân phải ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ. Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã về tận nơi để tìm hiểu. Và thực tế cho thấy, hầu hết những trường hợp không nhận hỗ trợ đều khẳng định: Đây là việc tự nguyện, xuất phát từ tấm lòng thiện tâm…
Nhiều người dân tại Thanh Hóa đã ký vào lá đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ của Chính phủ vì mong muốn được chia sẻ khó khăn cùng đất nước.
Chúng tôi tự nguyện!
Tìm hiểu thực tế tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hoá)– một trong những địa phương có nhiều người ký vào đơn tự nguyện, xin được không nhận hỗ trợ của Chính phủ cho thấy: Toàn huyện có hơn 46.000 người được hưởng gói hỗ trợ, trong số đó có khoảng 2.400 người tình nguyện không nhận hỗ trợ. Riêng xã Xuân Phong có đến 1.120 người ký đơn không nhận tiền hỗ trợ. Chính vì con số này đã khiến dư luận những ngày qua hết sức quan tâm và nghi ngờ có sự can thiệp của chính quyền.
Trong tâm trạng khá bức xúc, chị Phạm Thị Thiết - trú tại thôn 2, xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân cho biết: Sau khi được cán bộ thôn xóm phát loa thông báo hướng dẫn về những nhóm đối tượng được hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng thì gia đình chị thuộc diện cận nghèo, được nhận tiền hỗ trợ. Gia đình chị Thiết có 4 khẩu, cả nhà sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng. Tuy nhiên, chị đã không nhận.
Chị Thiết nói: “Tại sao họ lại có thể nghĩ rằng ai đó đã vận động hay ép buộc chúng tôi ký vào lá đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ! Sao lại nghi ngờ và xuyên tạc những việc làm xuất phát từ lương tâm của người dân. Chúng tôi nghèo thì không có quyền được đóng góp công sức của mình đối với xã hội sao?”.
Là “nhân vật chính” của những tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, ông Lê Xuân Quang – trú tại thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân cũng không giấu được vẻ bức xúc khẳng định với chúng tôi: “Tôi xin nói rõ việc không nhận tiền hỗ trợ do dịch Covid-19 hoàn toàn là do tự nguyện của gia đình. Tôi làm đơn này từ hôm 30/4, còn việc rà soát đến mãi 2-3/5 mới xong, nên không có chuyện có ai ép buộc hay vận động tôi cả. Còn về lá đơn là do khi tôi đến UBND xã để xin không nhận hỗ trợ, các anh, chị làm công tác chính sách yêu cầu tôi phải viết đơn tự nguyện. Không biết trình bày đơn ra sao, tôi đã nhờ văn phòng xã đánh máy sau đó in ra rồi ký vào chứ mẫu đơn làm gì có sẵn!”.
Nói về lý do có mẫu đơn được soạn sẵn, ông Lê Chí Tuấn- Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân cho biết: “UBND xã không có chủ trương làm đơn sẵn cho người dân. Tôi cam đoan tất cả các hộ đều tự nguyện, không có ai do vận động hay bị ép buộc mà làm cả. Chúng tôi đã niêm yết công khai các nội dung này và trao đổi trên tinh thần công khai minh bạch để các tổ chức, cá nhân không lợi dụng việc này trục lợi chính sách. Trên tinh thần các tổ rà soát và Ban công tác Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội họp, gửi danh sách lên, còn chính quyền chỉ tổng hợp lại”- ông Tuấn khẳng định.
Huyện Quảng Xương là địa phương cũng có tới 1.655 trường hợp đã viết đơn tự nguyện xin không nhận hỗ trợ. Sau đó có thông tin nghi ngờ về việc “có sự vận động” của chính quyền trong chuyện này. Ông Vũ Ngọc Nghĩa trú tại thôn Ngọc Diêm 2, xã Quảng Chính, chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà có 4 khẩu. Sau khi được cán bộ chính sách thôn, xã hướng dẫn kê khai để hưởng chế độ hỗ trợ dịch bệnh, ông đã bàn với các thành viên xin được trả lại tiền hỗ trợ, đơn giản vì cả nhà còn đang trong độ tuổi lao động, còn có thể tự lo được cho mình.
“Ở đây, chúng tôi tự nguyện san sẻ với người dân cả nước, những người còn khó khăn hơn. Chứ chẳng có ai ép chúng tôi ký vào đơn tự nguyện như đồn thổi đâu! Mà nói thật có ép cũng không được!”- ông Nghĩa vui vẻ nói.
Bà Phạm Thị Thiết ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) chủ động xin không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19.
Sẽ xử lý nghiêm nếu để xảy ra tình trạng vận động
Vậy có hay không việc chính quyền các xã đã vận động và ép người dân ký vào lá đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng – Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Ngọc Thức- Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: Số tiền người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ tương đương khoảng 1,8 tỷ đồng, huyện sẽ tổng hợp và gửi trả về ngân sách Nhà nước.
Ông Thức khẳng định: “Sau khi có công điện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện đã thành lập đoàn xuống các xã kiểm tra, rà soát lại cụ thể. Thực tế cho thấy, trên địa bàn huyện không có xã nào vận động hay ép người dân phải ký vào đơn tự nguyện không nhận hỗ trợ. Những thông tin xuất phát từ xã Xuân Sinh trên mạng xã hội là hoàn toàn thiếu căn cứ và thất thiệt. Trong trường hợp, nếu có địa phương nào để xảy ra tình trạng vận động hay ép người dân không nhận tiền hỗ trợ, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm!”.
Bà Nguyễn Thị Thu- Trưởng phòng LĐTBXH huyện Quảng Xương cũng bày tỏ: Sau khi có thông tin chính quyền các xã, thôn vận động và ép người dân ký vào lá đơn không nhận hỗ trợ được in sẵn, Phòng đã phối hợp cùng MTTQ huyện, Sở LĐTBXH tỉnh xuống rà soát và kiểm chứng lại. Tuy nhiên, những thông tin trên đều sai sự thật. Hầu hết người dân nằm trong diện được hỗ trợ đã tự nguyện nhường phần của mình cho người khác đều xuất phát từ thiện ý, muốn được chia sẻ. “Sở dĩ việc không nhận hỗ trợ trở thành phong trào là bởi: Sau khi có một vài hộ xin không nhận tiền hỗ trợ, hệ thống truyền thanh ở khu dân cư đã nêu tên, biểu dương… cứ thế việc tốt được lan tỏa. Theo tôi, đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp của người có hoàn cảnh khó khăn, sao nỡ nghi ngờ điều đó!”- bà Thu nói.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết chiều ngày 14/5, ông Trịnh Ngọc Dũng- Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sáng 13/5, Sở đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành công điện, chỉ đạo cán bộ cơ sở tuyệt đối không được vận động người dân từ chối nhận kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, cán bộ địa phương cũng phải hướng dẫn cụ thể và giúp đỡ người dân trong trường hợp họ tự nguyện không nhận khoản hỗ trợ này vì mong muốn được đóng góp công sức vào việc khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.
Đồng thời, Sở LĐTBXH Thanh Hoá cũng đã cử 3 đoàn công tác phối hợp với đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa xuống một số huyện để kiểm tra, giám sát trực tiếp tại một số xã và đối thoại trực tiếp với một số người dân thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách nhưng đã tự nguyện không nhận kinh phí hỗ trợ. Theo báo cáo của các đoàn công tác, thông tin xác minh tại các xã và người dân, cho thấy: Người dân hoàn toàn tự nguyện không nhận khoản kinh phí hỗ trợ này với mong muốn được chung tay cùng Nhà nước đẩy lùi dịch Covid-19.
* “Ngay sau khi nhận được thông tin, ngày 13/5, UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 2 đoàn giám sát, xuống tận khu dân cư tại 3 huyện: Triệu Sơn, Thọ Xuân, và Quảng Xương, đối thoại trực tiếp với bà con. Qua lắng nghe, tất cả các trường hợp đều khẳng định: Đây là việc làm tự nguyện, họ đóng góp một phần của mình vào công cuộc chống dịch, mong muốn sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn hơn. Đây chính là hành động hết sức nhân văn, là tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ, sẻ chia với nhau trong cộng đồng dân cư. Lớn hơn nữa, đó còn là tinh thần trách nhiệm của mỗi người đối với Tổ quốc - (Ông Hà Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thanh Hóa).
* Yêu cầu huỷ mẫu đơn in sẵn “tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ”: Chiều ngày 14/5, ông Trịnh Ngọc Dũng- Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Sở LĐTBXH Thanh Hoá đã gửi công văn tới các địa phương, yêu cầu cán bộ xã, thôn khi thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ dịch Covid-19 của Chính phủ phải bỏ, không dùng mẫu đơn in sẵn “tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”. Bởi mẫu đơn in sẵn do các địa phương tự soạn, tuy tiện lợi, nhanh gọn nhưng cách thức chưa phù hợp với tinh thần tự nguyện của người dân. Do đó, nếu người dân có ý định tự nguyện không nhận tiền hỗ trợ thì phải tự tay viết đơn mang đến, nếu người nào không biết chữ thì có thể nhờ cán bộ xã viết thay, sau đó điểm chỉ vào tờ đơn. A.T.