Hơn 500 công chức, viên chức ở Hà Tĩnh giai đoạn từ 1998-2017 như “ngồi trên đống lửa” vì chuẩn bị phải thi lại mặc dù đã được công nhận và làm việc ổn định hàng chục năm nay.
Sau khi có kết luận số 71-KL/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương về xử lý sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và Hướng dẫn số 2965/HD-BNV của Bộ Nội vụ ngày 15/6/2020 về việc xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong tuyển dụng viên chức.
Mặc dù Ban Bí thư và Bộ Nội vụ đã có kết luận, hướng dẫn từ tháng 3 và tháng 6/2020 nhưng mãi đến ngày 15/12/2020, ông Trần Tiến Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh mới ban hành Công văn số 486/KH-UBND về kế hoạch tuyển dụng lại công chức có sai phạm trong thi tuyển.
Công văn nêu rõ, đối tượng dự tuyển lại công chức là tất cả các cán bộ công chức đang công tác tại khối cơ quan Nhà nước thuộc diện phải thi tuyển nhưng chưa thi tuyển và được tuyển dụng từ ngày 2/12/1998 đến ngày 28/12/2017. Hình thức tuyển dụng lại là thi tuyển.
Việc thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi. Vòng 1 sẽ được tổ chức trước ngày 22/12/2020. Vòng 2 dự kiến được tổ chức trước ngày 24/12/2020.
UBND tỉnh yêu cầu, việc tổ chức tuyển dụng lại công chức phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp với điều kiện thực tế của các trường hợp thuộc diện được khắc phục trong tuyển dụng và áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật. Việc tổ chức tuyển dụng lại công chức phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020.
Sau khi có thông báo danh sách người dự kiến trúng tuyển, người dự kiến trúng tuyển phải đến sở Nội vụ để xuất trình bản chính, bản sao các văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng lại để hoàn thiện hồ sơ đăng ký tuyển dụng lại.
Có “lệnh” của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nội vụ Hà Tĩnh tiến hành rà soát và xác định, Hà Tĩnh có 308 công chức và 199 viên chức giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2017 phải thi tuyển lại.
507 viên chức, công chức này phải thi 2 vòng với 30 câu trắc nghiệm ngoại ngữ và tin học; 60 câu kiến thức chung và 1 bài thi viết với thời gian 120 phút.
Việc thi tuyển phải được tổ chức xong trước ngày 24/12/2020, trong khi ngày 15/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có thông báo. Việc này khiến các công chức, viên chức lo lắng, đứng ngồi không yên do thời gian thi quá gấp gáp trong khi không được tổ chức ôn thi. Công chức, viên chức lo sợ sự chậm trễ này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng ôn tập và bài thi của các thí sinh.
Giải đáp băn khoăn này, bà Phan Thị Tố Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho hay, nội dung câu hỏi bài thi đều là lĩnh vực chuyên môn, ứng dụng trong công tác của các công chức, viên chức nên sẽ không ảnh hưởng.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng cho hay, thực tế thời gian từ ngày 16/12 đến 22/12 là hơi gấp, Sở sẽ xin Bộ Nội vụ điều chỉnh, lùi thời gian thi nhưng vẫn phải xong trước ngày 31/12. Trường hợp Bộ Nội vụ không cho phép thì tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện vì đến nay mọi công tác cho kỳ thi này đã được chuẩn bị đầy đủ.
“Theo quy chế 03, thí sinh chỉ cần đạt 15/30 câu hỏi (tức 50% tổng điểm) là sẽ đỗ. Ngày 15/12, UBND tỉnh mới có văn bản nhưng những trường hợp phải thi tuyển lại họ đã biết thông tin từ lâu rồi vì chúng tôi đã rà soát bắt đầu từ tháng 9/2020 đến nay”, bà Hoa nói.
Về nguyên nhân dẫn đến sai phạm này theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Phan Thị Tố Hoa, bản thân các công chức, viên chức không sai mà là do trước đây tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành chính sách thu hút nguồn cán bộ chất lượng cao, tuy nhiên tiêu chí lại thấp hơn tiêu chí của Chính phủ. Đồng thời, Hà Tĩnh ban hành một số nghị quyết đặc thù chưa phù hợp với quy định hiện tại.
Cụ thể, những trường hợp được đặc cách lên công chức không qua thi tuyển theo tiêu chuẩn của Hà Tĩnh chỉ cần xếp loại giỏi, trong khi tiêu chuẩn của Chính phủ phải đạt loại xuất sắc. Riêng viên chức đặc cách lên công chức theo quy định phải qua 1 kỳ thi sát hạch nhưng tỉnh lại không tổ chức thi.
Về nội dung, số lượng công chức, viên chức giai đoạn 1998 – 2017 được xác định sai phạm trong tuyển dụng phải thi lại, đồng nghĩa 19 năm qua, họ được hưởng lương, chế độ của Nhà nước theo ngạch công chức, viên chức nếu không đỗ sẽ giải quyết như thế nào?
Bà Hoa cho hay, theo quy định của Bộ Nội vụ thì không có hướng dẫn thu hồi, đền bù. Nếu số lượng công chức, viên chức này đỗ trong đợt thi sắp tới thì họ sẽ được giữ nguyên các quyết định bổ nhiệm. Sau khi khắc phục tuyển dụng mới tính tiếp việc xử lý sai phạm trong tuyển dụng đối với các cá nhân, tập thể liên quan. Việc xử lý như thế nào thì thuộc thẩm quyền của cơ quan nào, cơ quan đó xử lý.
“Đây là chủ trương của Đảng không phải chỉ riêng Hà Tĩnh mà cả nước. Nếu họ không tham gia kỳ thi thì sẽ không phải là công chức, viên chức nữa. Trường hợp thi không đạt cũng bị hủy quyết định, không còn là công chức, viên chức đồng nghĩa mất việc làm”, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Phan Thị Tố Hoa nói.