Yêu vội, sống thử và thiếu kiến thức về giới tính, nhiều nữ sinh viên làm mẹ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Những bà mẹ “bất đắc dĩ” dang dở ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, nhiều người trở thành “single mom” khi trao thân nhầm gã sở khanh.
Bạn bè góp tiền mua cháo nuôi con
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo (Tương Dương, Nghệ An) kinh tế gia đình vào diện khó khăn, bố Hoa mất sớm nhưng mẹ luôn quan tâm, động viên cô vươn lên học tập thoát nghèo. Có lực học giỏi nên tốt nghiệp THPT, Hoa thi đỗ Trường ĐH Văn Hoá Hà Nội.
Vốn có nhan sắc nên bước vào ngưỡng cửa đại học Hoa được nhiều chàng trai để ý. Hết học kỳ I, Hoa bắt đầu yêu Minh Đức (Giao Thủy, Nam Định) sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải. Sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, cộng lý do “muốn được gần nhau” Hoa chuyển từ KTX ra ở trọ cùng bạn trai. Thiếu kiến thức giới tính, hậu quả việc sống thử Hoa có thai ngoài ý muốn khi đang là sinh viên năm 2.
Những tháng đầu mang thai, Hoa ốm nghén, chẳng ăn uống được gì nên cơ thể gầy yếu và thường xuyên phải nghỉ học. Dù có bầu, nhưng Hoa và người yêu vẫn không báo cho gia đình. Hai sinh viên xa nhà, sống tằn tiện với tiền cha mẹ trợ cấp nên 9 tháng mang thai rất hiếm khi Hoa có sữa hộp uống. Cái bầu lớn dần, Hoa bảo lưu kết quả học tập ở phòng trọ chờ sinh.
Rồi đến tháng, Hoa trở dạ đẻ, cặp “vợ chồng hờ” dắt nhau vào bệnh viện và nhờ bạn học giúp đỡ. “Vào viện đẻ, mình vừa đau, buồn, vừa tủi thân lắm. Lúc đó mới biết thương mẹ và thấy bản thân bất hiếu. Gần 1 năm đó mình giấu mẹ, nhớ nhà lắm nhưng lấy lý do bận học không dám về quê”, Hoa kể lại.
Ăn uống thiếu dinh dưỡng, con Hoa sinh ra chỉ được 2,3 kg. Sinh em bé, Hoa không nhận được một tiếng hỏi han, hỗ trợ từ người thân vì cô giấu nhẹm chuyện này. Sinh viên xa nhà lúc nào cũng túng thiếu, giờ lại kiêm thêm nhiệm vụ làm mẹ nuôi đứa trẻ nên cuộc sống vô cùng khó khăn.
Hoa kể, những người bạn cùng lớp thương hai mẹ con lắm nên thường xuyên góp tiền mua giúp thức ăn, khi thì hộp sữa, cái chân giò heo, bát cháo, ít thịt lợn, cá... có bạn về quê còn mang đồ quê như gà, trứng ra cho. Hoa ít sữa nên con cũng yếu. Nhiều hôm đứa trẻ đau ốm, nhóm bạn lại vét hết những đồng tiền còn lại trong túi mua thuốc thang.
Chăm con được 3 tháng, tủi nhục, thiếu thốn đủ bề nửa đêm Hoa khóc gọi về nói cho mẹ mình ở quê. Giận con một mà thương con mười, mẹ Hoa bắt xe giữa đêm ra Hà Nội để chăm sóc con gái và cháu. Sau khi 2 bên gia đình qua lại, Hoa về nhà người yêu chăm con nhỏ và ở cùng “mẹ chồng” để chờ ngày cưới (bố Đức mất sớm). Đức tiếp tục xuống Hà Nội học tập.
Số phận vẫn không mỉm cười với Hoa, khi đang ở quê chăm con thì Đức ở Hà Nội có bạn gái mới và nói lời chia tay. Gia đình phản đối, Đức cắt đứt liên lạc với mọi người. Đau khổ và tủi nhục, Hoa gửi con cho mẹ Đức chăm sóc để xuống Hà Nội làm thuê.
“Giờ bán quần áo ở đây được nuôi ăn ở mỗi tháng lương 3,5 triệu đồng. Mình gửi về quê cho bà nội 2 triệu để chăm con, còn 1,5 triệu trang trải cuộc sống bản thân. Tại bản thân dại trao thân nhầm người nên khổ biết trách ai, giờ cố làm lụng nuôi con lớn mới tính tiếp”, Hoa nói.
Những "Single mom" bất đắc dĩ
Nguyễn Thu Loan (19 tuổi) sinh viên năm 2 Trường Đại học Luật Hà Nội, là con gái út trong một gia đình làm nông ở Yên Bái. Xuống Hà Nội học tập, Loan đã quen biết và nảy sinh tình cảm với cậu bạn ở chỗ làm thêm tên Lê Bảo Long (23 tuổi, quê Lào Cai), là sinh viên năm cuối, Trường Đại học Thủy Lợi.
“Anh ấy giúp đỡ em rất nhiều, thường làm những phần việc nặng hơn giúp em mỗi khi hai đứa có ca làm chung. Không biết từ khi nào mà tụi em trở nên thân thiết, rồi tình cảm nó cứ tự nhiên mà đến thôi”, Loan kể.
Sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm và “muốn được gần gũi để tiện chăm sóc cho nhau lúc ốm đau, bệnh tật” là lý do mà Long đưa ra để thuyết phục Loan dọn ra phòng trọ ở chung. Không nói thì ai cũng hiểu rõ, hậu quả của sống thử lại là… bầu thật.
“Lúc thử ra 2 vạch em đã rất sợ hãi, em không dám nói với người yêu mà cũng không biết phải giải quyết một mình như thế nào. Khoảng thời gian đó khó khăn và bế tắc kinh khủng. Đi học mà hễ ai nhìn em lâu hơn bình thường một chút thôi cũng làm em thấy chột dạ, lo lắng không yên”, cô trải lòng.
Những tháng đầu mang thai, Loan ốm nghén nặng đến mức không ăn uống được gì, người càng lúc càng gầy và yếu hẳn. Từ cô sinh viên mẫu mực của khoa, chăm chỉ học tập, Loan bỗng chốc trở thành người nghỉ học nhiều nhất, kết quả học tập sa sút không điểm dừng.
Khi Long đưa Loan về để xin cưới thì gia đình không chấp nhận với lý do không “môn đăng hộ đối” và “còn trẻ không học thì sau này làm gì kiếm ra tiền nuôi con”.
Trước sức ép gia đình, Long bảo Loan bỏ đứa bé để tập trung học tập, nhưng Loan không đồng ý và kiên quyết sinh em bé. Mâu thuẫn khiến tình yêu của cặp "vợ chồng hờ" đổ vỡ. Sau đó, Loan buộc phải bảo lưu kết quả học tập để về quê với gia đình.
“Em là đứa con bất hiếu, ba mẹ lo cho em ăn học, tốn bao nhiêu tiền bạc của cải, thậm chí là vay nợ để gửi cho em. Vậy mà em lại làm ra chuyện xấu hổ như vậy, nhưng may mắn gia đình vẫn bao dung chào đón 2 mẹ con. Sinh xong, em gửi con ông bà trông để tiếp tục học Đại học, em cố gắng học để sau có công việc ổn định chăm con và báo hiếu bố mẹ”.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Loan, Ngọc Linh ( ở Gia Viễn, Ninh Bình) có bầu khi là sinh viên của Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Đó là sản phẩm sống thử của cô sinh viên năm nhất với Hoàng Nhân (một kỹ sư - PV) hơn cô cả chục tuổi. “Nhìn que thử lên 2 vạch, mình vô cùng choáng váng. Mình sợ phải nghỉ học và không biết đối diện sao với bố, mẹ. Nhưng lúc đó còn yêu mù quáng lắm, tin vào tình yêu chân thành và sẽ cùng người yêu tổ chức hôn lễ và sống hạnh phúc”, Linh tâm sự.
Đón sản phẩm của tình yêu đầu đời trong bộn bề suy nghĩ, dằn vặt, cuối cùng Linh và Nhân về quê đăng ký kết hôn, tổ chức lễ cưới. Sau sinh, Linh gửi con bà nội chăm sóc và trở lại Hà Nội tiếp tục học tập. Những tưởng vượt qua thử thách ban đầu vợ chồng sẽ cùng chăm con và sống hạnh phúc, nhưng xuống ở cùng chồng Linh nhận được sự thờ ơ, lạnh lùng.
Nghi ngờ chồng có người khác, Linh âm thầm theo dõi. Cuối cùng điều Linh không mong đợi nhất cũng đã xảy ra khi cô phát hiện chồng lén lút qua lại với một người phụ nữ lớn tuổi trong thời gian cô mang bầu và ở cữ. Linh đau đớn chấp nhận sự bội bạc của người mình từng yêu hơn cả bản thân. Nữ sinh bế con gái chưa tròn 1 tuổi bỏ về nhà ngoại. “Sự bồng bột của tuổi trẻ khiến mình phải trả giá quá đắt khi trao thân cho kẻ trăng hoa”, Linh nói trong ngậm ngùi.
Sau đó, Linh ly hôn chồng và giành quyền nuôi con. Con gái Linh giờ đã được 2 tuổi và ở với ông bà ngoại. Hiện Linh đang làm thêm cho một nhà hàng ở Hà Nội, tuổi đời còn trẻ, nhưng bà mẹ một con luôn có mặc cảm về bản thân, mất niềm tin, sống khép kín và không muốn tìm cho mình bến đỗ mới. “Trải qua những chuyện buồn trong hôn nhân và cuộc sống giờ mình đã không còn tin cái gọi là tình yêu nữa. Mình sẽ làm mẹ đơn thân và chăm sóc con gái thật tốt để bù đắp những thiệt thòi khi không được ở cùng bố và mẹ”, Linh nói.
“Trải qua những chuyện buồn trong hôn nhân và cuộc sống giờ mình đã không còn tin cái gọi là tình yêu nữa. Mình sẽ làm mẹ đơn thân và chăm sóc con gái thật tốt để bù đắp những thiệt thòi khi không được ở cùng bố và mẹ” - Linh nói.